Thông tin tại cuộc họp báo công bố kết quả ngay sau khi kết thúc Đại hội chiều 7/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho biết sau 2 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần đổi mới, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã thành công tốt đẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội. (Ảnh: TTXVN) |
Đại hội đã được đón các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ… và các vị khách quý; các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sỹ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sỹ, các nhà khoa học…; đại diện người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có công với Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự, chúc mừng Đại hội và có bài phát biểu quan trọng.
Đại hội đã nghe báo cáo đánh giá tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015) và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020 do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương trình bày; nghe báo cáo tham luận của các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương.
Đại hội đã biểu dương, tôn vinh các điển hình trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và giao lưu với các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.
Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát động phong trào thi đua trong cả nước với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc." Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân hưởng ứng phát động thi đua.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà cho biết, trong số 1800 đại biểu chính thức có 167 đại biểu là cá nhân và đại diện tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới được phong tặng giai đoạn 2011-2015, trong đó cá nhân anh hùng là 20 người.
Đại biểu là Chiến sỹ thi đua toàn quốc được lựa chọn dự Đại hội từ năm 2011 đến nay là 102 đại biểu. 972 đại biểu điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, là người trực tiếp lao động sản xuất. 72 đại biểu đại diện tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới."
186 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 18 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài và 16 đại biểu là người nước ngoài có công đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; 193 đại biểu đại diện tôn giáo, nhân sỹ, trí thức; người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, đại diện gia đình có công với cách mạng, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, người khuyết tật; đại biểu tiêu biểu là các doanh nhân, các nhà hoạt động từ thiện xã hội; các thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, các cá nhân được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các tài năng trẻ, các cháu thiếu niên nhi đồng xuất sắc.
Đại biểu cao tuổi nhất là giáo sư Vũ Khiêu, Trung tâm Khoa học và Nhân văn Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, năm nay đã 100 tuổi; 5 đại biểu ít tuổi nhất là các học sinh tiểu học, 11 tuổi.
Tại cuộc họp báo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh biểu dương các cơ quan thông tấn, báo chí trong suốt thời gian qua với tinh thần tận tụy, trách nhiệm đã bám sát các phong trào thi đua yêu nước trong suốt 5 năm qua và các sự kiện diễn ra tại Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ IX. Báo chí chính là lực lượng nòng cốt để các phong trào thi đua lớn mạnh.
Để đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong thời gian tới, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua yêu nước, đặc biệt là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc… bởi đây là các chủ trương lớn để các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Cán bộ, đảng viên đóng vai trò nòng cốt; gắn các phong trào thi đua yêu nước với các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tuyên truyền cách làm, cách tổ chức các phong trào thi đua, trong đó công tác thi đua cần xác định mục tiêu rõ ràng, chú ý đến các phong trào thu đua theo chuyên đề, phong trào thi đua đột xuất, chú trọng cách làm sáng tạo, tránh sự nhàm chán. Việc tuyên truyền thi đua cần gắn với việc sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát. Thi đua cần gắn với công tác khen thưởng, đúng người, đúng việc để bảo đảm các phong trào thi đua tốt hơn, ông Phạm Văn Linh nhấn mạnh.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh lưu ý các cơ quan báo chí tuyên truyền các phong trào thi đua gắn với trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, xuất sắc. Việc tuyên truyền thi đua là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó báo chí cần thực hiện việc thông tin, nhân rộng các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, thực hiện theo đúng lời căn dặn của Bác Hồ./.
Nguồn: (TTXVN/VIETNAM+)