Chiều 10/11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì buổi làm việc với các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao về tình hình tổ chức hoạt động, công tác phối hợp, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và trọng tâm công tác trong thời gian tới.
Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, là năm đầu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, cũng là năm các cơ quan tư pháp nói chung, các cơ quan điều tra nói riêng tập trung triển khai thực hiện các đạo luật mới về tư pháp.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, kinh tế-xã hội trong nước còn khó khăn, các cơ quan tư pháp nói chung, các cơ quan điều tra nói riêng đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá chất lượng công tác điều tra, xử lý các loại tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm tiếp tục tăng (riêng án về trật tự xã hội đạt 82,42%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng điều tra, khám phá đạt 92,39%).
Các cơ quan điều tra đã phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là những vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận quan tâm…, bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị tạm giữ, bị can cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bảo đảm quyền dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác của các cơ quan điều tra; đồng thời lưu ý một số vấn đề trọng tâm. Cụ thể là sự xuất hiện các loại tội phạm phi truyền thống với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi, như tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Một số tội phạm kinh tế, tham nhũng sử dụng thủ đoạn phổ biến là nhờ người khác đứng tên tài sản do phạm tội mà có, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài để tẩu tán, xóa dấu vết; tìm cách trốn ra nước ngoài, nhất là các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.
Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giữa Việt Nam với một số nước chưa tương thích, nên gặp khó khăn trong việc giải quyết yêu cầu tương trợ tư pháp của đối tác nước ngoài, cũng như khó đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao, dẫn độ người phạm tội. Công tác giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy còn nhiều bất cập. Một số cơ quan trưng cầu giám định từ chối, né tránh giám định; chưa quy định rõ thời hạn trả kết quả giám định…, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác điều tra.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra trong việc giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đặt ra rất nặng nề. Âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng; các biểu hiện “tự diễn biến," "tự chuyển hóa” trong nội bộ và dấu hiệu chệch hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với những vấn đề phức tạp về an ninh xã hội rất đáng quan tâm…
Đồng tình với những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan điều tra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan tập trung một số nội dung: Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ điều tra viên, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”; xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, kỷ luật, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Các cơ quan điều tra cần tập trung nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án hình sự, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, các vụ án sử dụng công nghệ cao mà dư luận quan tâm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Các cơ quan điều tra phải có biện pháp phòng ngừa tích cực, quản lý, giám sát chặt chẽ, không để đối tượng trốn đi nước ngoài, với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, xử lý kiên quyết, triệt để, rõ đến đâu, xử lý đến đó, không để kéo dài, không có "vùng cấm," không chịu áp lực của tổ chức, cá nhân nào. Chú trọng khâu phát hiện án kinh tế, tham nhũng, cũng như việc thu hồi tài sản bị thất thoát, tài sản bị các đối tượng tham nhũng chiếm đoạt; chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn điều tra, xử lý tội phạm."
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan điều tra quan tâm mở rộng hợp tác quốc tế trong điều tra, xử lý tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, kinh tế, tham nhũng, mua bán người, rửa tiền và tội phạm sử dụng công nghệ cao…
"Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cảnh sát quốc tế, khu vực và cơ quan tư pháp hữu quan của các nước để khẩn trương truy bắt số đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài, nhất là số đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng. Đồng thời, phải có biện pháp hiệu quả thu hồi số tài sản tham nhũng bị tẩu tán, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và răn đe số đối tượng có ý định bỏ trốn ra nước ngoài; không để kẻ phạm tội ảo tưởng nước ngoài là nơi ẩn náu, là nơi dung thân an toàn, chạy trốn trừng trị của pháp luật," Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị các cơ quan điều tra tăng cường các biện pháp phòng chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; thực hiện nghiêm túc quy chế cung cấp thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, tránh tình trạng lợi dụng dư luận gây áp lực với cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp, đề phòng lộ, lọt bí mật, đối tượng phạm tội chạy trốn. Cùng với đó là việc tập trung nghiên cứu, tham gia xây dựng, hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015 và các dự án luật có liên quan…; đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm ngăn ngừa tội phạm và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm.
"Các cơ quan tư pháp cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có kiến thức cần thiết về khoa học-công nghệ, ngoại ngữ, luật pháp quốc tế để nâng cao chất lượng điều tra loại tội phạm nguy hiểm sử dụng công nghệ cao; chú trọng quản lý, bảo vệ đội ngũ cán bộ điều tra, tư pháp, để phòng chống tội phạm tấn công, mua chuộc, lôi kéo, tha hóa," Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng yêu cầu các cơ quan điều tra phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo liên ngành kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng dưới nhiều hình thức tới mọi tầng lớp nhân dân, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hoạt động của các cơ quan điều tra.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc để các cơ quan điều tra hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo, xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp, trong đó có các cơ quan điều tra ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao./.
Nguồn: ĐỨC DŨNG (TTXVN/VIETNAM+)