"Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi" – "8 chữ vàng" toát lên một khẩu hiệu giàu ý nghĩa cũng là 8 cái tên được Bác Hồ đặt cho 8 người tháp tùng Bác trên đường kháng chiến. Nay chỉ còn ông Tạ Quang Chiến – người vẫn miệt mài nghiên cứu về Bác ở tuổi 84.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Bác cùng các đồng chí phục vụ, tháp tùng phải rời Hà Nội trở lại chiến khu Việt Bắc tiếp tục công cuộc kháng chiến. Chàng trai trẻ Nguyên Hữu Văn cùng các cộng sự của mình nhận thêm một cái tên từ Bác khi đến xã Cần Kiệm, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Hồ Chí Minh rất tin dân và dân luôn tin vào Bác

Ông Tạ Quang Chiến kể, lúc đặt tên cho mọi người, Bác nói: “Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay trở đi, để tỏ rõ quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, Bác đặt tên cho các chú là Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi. Bác đặt tên như vậy để hàng ngày nhìn thấy hoặc gọi tên các chú, các chú trở thành khẩu hiệu sống bên cạnh Bác, nhắc nhở Bác hoàn thành nhiệm vụ”

Đến hôm nay, hơn 60 năm qua đi, “chú Chiến” của Bác khi xưa vẫn nguyên vẹn cảm xúc bồi hồi của những năm tháng ấy, khi được Bác “khai sinh” cho mình và các đồng chí những cái tên mới quá đỗi ý nghĩa.

Ngồi trò chuyện tại căn nhà riêng trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) có treo rất nhiều ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và ảnh chụp với nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông trầm ngâm: “Nói về Bác Hồ, kể chuyện về Bác thì mênh mông lắm. Với tôi, kỷ niệm về Bác luôn hiện diện trong cuộc đời, từ hơn 10 năm trong gian khó làm người giúp việc cho Bác cho đến ngày nay, tôi được gọi là “nhân chứng lịch sử”.

 

Ông Tạ Quang Chiến (Ảnh: Bùi Dũng)

Suốt nhiều năm tôi làm nghiên cứu về khoa học xã hội, đặc biệt về lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh… nên tôi phát biểu về Bác dưới góc độ là người từng có thời gian dài cùng các đồng chí khác sống bên Bác và cũng ở tư cách một người làm nghiên cứu”.

Lòng tin phải từ hai phía

“Bây giờ người ta hay thích nói hay trích dẫn những câu chuyện lặt vặt về Bác. Điều đó cũng tốt nhưng không đúng với tầm vóc, với yêu cầu thực tế. Cần phải có tầm nhìn khác nữa khi nói về Bác.

Một điều quan trọng nổi lên từ con đường đi, tư tưởng và con người Bác chính là làm thế nào để xây dựng được lòng tin của lãnh tụ với nhân dân. Lịch sử đã chứng minh rất rõ, Bác Hồ rất tin ở nhân dân và nhân dân luôn tin vào Bác Hồ. Đó là một yếu tố rất quan trọng để vượt qua mọi khó khăn, kể cả khó khăn cực kỳ nguy hiểm.

Lòng tin ấy đã được xây dựng lên từ cái gốc là vì nghĩa lớn. Nghĩa lớn ngày xưa là bằng mọi cách giành lại đất nước, đem về độc lập, tự do cho dân tộc.

Ta với địch với rất tương quan chênh lệch. Ta phải thông minh, mưu trí nhưng cũng phải mạo hiểm, dấn thân để đương đầu, chiến thắng địch. Bác Hồ đã nêu một tấm gương lớn, dấn thân, xả thân vì nước, kể từ khi bôn ba tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng. Những gì Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh làm, tất cả là vì dân vì nước, đã tạo nên uy tín vang dội, thuyết phục nhân tâm, vì thế mà nhân dân tin tưởng vào lãnh đạo.

Dân tin Người và đi theo, vì thế mới có Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), kháng chiến chống Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội địa cầu (1954) và hai mươi năm sau với Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất hai miền Nam – Bắc (1975).

Lãnh đạo tin dân, dân tin lãnh tụ là thế mà mọi khó khăn lúc ấy dần dần được vượt qua. Đó là lòng tin hai chiều, hai bên tin nhau. Hàng trăm, hàng triệu người sẵn sàng hi sinh, đi theo con đường của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và tất cả những gì Người làm là vì nghĩa lớn. Nghĩa lớn của dân và của lãnh tụ gặp nhau.

Ngày nay, trong cuộc chiến đấu mới chống nghèo nàn lạc hậu, sự dấn thân, xả thân không chỉ là giữ nước như trước mà mở ra một hướng mới: dựng xây đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thi đua với thế giới. Muốn đạt được mục đích và cũng là nghĩa lớn đó thì từ lãnh đạo đến người dân phải có trình độ, ý chí quyết tâm và lòng tin phải được xác lập từ hai phía.

Học tập Hồ Chí Minh

Phát động chủ trương học tập theo tấm gương Hồ Chí Minh là rất đúng nhưng khi đi vào hoạt động lại rất chung chung. Phải làm thế nào xoay đúng hướng? Theo tôi, học Bác Hồ là học từ cái lớn đến cái nhỏ.

Điều cao quý nhất ở đạo đức bác Hồ là tấm lòng vì dân vì nước. Trước đây cũng như bây giờ, cần – kiện – liêm – chính để vì lợi ích dân tộc chứ không phải chỉ cho mưu lợi cá nhân.

Thứ hai, đạo đức Bác Hồ với con người, với đồng bào là sự nhân ái, bao dung. Dù công to việc lớn đến đâu Bác vẫn rất chú ý đến thiếu nhi, thanh niên, phụ nữ, người già và đó là sự quan tâm thật lòng.

Bác quý người già vì người già có tác dụng dẫn dắt, bảo ban, nâng đỡ con cháu. Bác quan tâm đến phụ nữ vì phụ nữ duy trì nòi giống cho các thế hệ. Còn thanh niên, ngay trong những năm tháng kháng chiến đã luôn là tầng lớp xung phong đi hàng đầu.

Bác trọng trẻ, vì bất kỳ ai cũng bắt đầu từ thiếu niên, nhi đồng. Sau Cách mạng, năm nào Bác cũng có thư riêng gửi thiếu niên, nhi đồng, căn dặn các cháu rất ân cần, chu đáo. Bác yêu quý các em không phải như cách quan tâm cho riêng con cháu mình mà vì tương lai đất nước. Nhiều vị lãnh đạo hôm nay cũng là trưởng thành từ phong trào thanh thiếu niên khi xưa mà ra.

Với bạn bè trong nước và quốc tế, Bác chu đáo, không để sót ai, ai cộng tác được thì nhất định Bác cộng tác, không chỉ giới hạn trong các nước xã hội chủ nghĩa.

Với giới trí thức, Bác tranh thủ cống hiến của họ, vì giới trí thức có thể tạo nên đột phá trong xây dựng đất nước. Bác và giới trí thức trân trọng, tin tưởng nhau, vì thế mà sau kháng chiến hàng trăm trí thức đi theo Bác. Ở nước ngoài nhiều trí thức có đời sống cao nhưng vì nước, vì niềm tin vào Bác mà đã trở về cống hiến.

Người chăm lo đến đạo giáo, sinh hoạt tâm linh của nhân dân, vì đó là một phần của đất nước. Bác thể hiện sự chăm lo thực sự, lâu dài chứ không phải làm theo sách lược.

Trong nội bộ, riêng đối với các đồng chí trong Đảng, là Đảng viên bác rất nghiêm khắc. Người ngoài Đảng mà yêu nước thì Bác rất quý trọng. Bác nghiêm khắc với Đảng viên để họ phát huy vai trò có lợi cho cách mạng.

Với cá nhân mình, đạo đức bác Hồ thể hiện ở việc bản thân bác rất chăm lo giữ mình trong sạch, cần – liệm – liêm – chính, luôn quan tâm rèn luyện sức khỏe, không ngừng nâng cao kiến thức qua các kênh thông tin, báo chí, sách vở.

Khi nói đến sự giản dị của bác thì đừng chỉ nhìn vào cách sống giản dị, trong sạch của Bác qua bộ quần áo đơn sơ hay đôi dép cao su. Phải hiểu trong lúc nhân dân thiếu thốn thì cán bộ Đảng viên không được sống xa cách với dân, phải biết giữ mình với sự trong sạch. Cũng vì lẽ sống trong sạch, đàng hoàng nên Bác Hồ rất nghiêm khắc với vấn đề tham ô, lãng phí.

Tóm lại, học từ cái lớn từ Bác ở đây là tấm lòng vì dân vì nước và đến cái nhỏ là lối sống mẫu mực thể hiện phẩm chất của một nhà lãnh tụ Việt Nam.

Có một điều cần nói là những điều ấy không phải chỉ cho người dân phải học mà phải được các cấp lãnh
đạo từ trung ương đến địa phương gương mẫu học và làm theo. Vẫn có những vị lãnh đạo chưa có đầy đủ phẩm chất đạo đức theo tấm gương Bác Hồ, họ muốn quần chúng nhân dân phải học nhưng họ có đặt câu hỏi, tại sao họ lại chưa học được nhiều từ Bác?

Học Bác thế nào?

Giới quan chức, cán bộ, dù làm gì thì làm cũng là đấy tớ của nhân dân, nên từ tấm gương của bác Bác, tôi thấy nhiều vị đi đến đâu là tiền hô hậu ủng đến đấy thật không nên. Những khẩu hiệu “nhiệt liệt chào mừng đồng chí…” xuất hiện ở đó đây gợi lên tính hình thức.

Có những cách làm tưởng là tốt như lúc nào cũng trích dẫn câu nói của Bác đơn thuần mà không biết rằng làm thế người ta có tiếp thu được, có thiết thực hay không.

Trong thời đại xây dựng đất nước ngày nay cũng như sau này dễ xuất hiện những xu hướng tiêu cực, chúng ta không chỉ đơn thuần lấy đạo đức để khắc phục mà cần kết hợp đức trị và pháp trị.

Đã nói học bác Hồ thì từ trên xuống dưới đều cần phải học thực sự và tự giác học. Không phải các cuộc vận động, các phong trào tổ chức để tốn tiền, tốnn thời gian mà quan trọng là tác dụng của việc học. Chúng ta ca ngợi Bác là vô cùng vì khi nói đến Bác thì đế quốc đều đã phải kiêng dè và chính Bác cũng không bao giờ hô hào khẩu hiệu suông. Cái gì phù hợp, có lợi ích thực sự cho dân, cho nước thì Bác phát biểu và làm theo.

Tôi rất tán thành việc học Bác để hành động chứ không chỉ để ca ngợi đơn thuần. Lãnh đạo các cấp trên phải thể hiện sự gương mẫu thực sự trong việc này. Nói và làm phải đi đôi, phải thiết thực, đừng nói một đằng làm một nẻo – chúng ta nói mãi điều này nhưng cũng chưa làm được.

Về vấn đề làm sao để có lòng tin từ hai phía như thời Bác Hồ – khi lòng tin được thể hiện quá rõ?. Bây giờ người lãnh đạo và cả người dân đều cần phải lắng nghe một cách tỉnh táo. Lòng tin ở thời Bác Hồ cũng như thời đại hôm nay đều phải coi trọng sự tự giác, xuất phát từ sự nghiệp lớn của đất nước.

Việc xác lập long tin từ hai phía là quy luật cần thiết. Lãnh đạo phải gương mẫu mới có thể củng cố lòng tin của dân. Lãnh đạo tin vào dân phải lấy dân làm gốc, bàn với dân.

Bây giờ có nhiều người muốn đóng góp mà không được lắng nghe cho nên nhìn bên ngoài thì có vẻ thấy sự ủng hộ nhưng bên trong thì phân vân lắm, mà như thế là chưa có lòng tin thực sự.

Học Bác Hồ thì phải biết nghe ý kiến trái chiều. Bây giờ ta nói phản biện nhưng có nghe phản biện không mới là vấn đề. Hay nói chống tham ô, tham nhũng mà không chống đến nơi đến chốn, nội bộ bè phái đấu đá thì cũng khó gây dựng lòng tin. Để có lòng tin thì hãy làm những gì xứng đáng để được tin như Bác Hồ đã làm với dân, với nước.

Tôi và vợ đều có hơn 60 năm tuổi Đảng. Chúng tôi đã về hưu từ lâu, hiện sống thanh thản, không làm phiền các con.

Chúng tôi có 4 người con, con đầu là liệt sĩ, cách đây 36 năm con tôi vào chiến trường miền Nam, nếu nay còn thì 58 tuổi. Hai con kế tiếp là kỹ sư, sĩ quan quân đội, sau ra ngoài công tác và đều trưởng thành, có công việc ổn định. Con út là kiến trúc sư, đã mất.

Tôi biết tiếng Pháp, Nga, từng học ở Nga 4 năm. Hiện nay, tôi sức khỏe của tôi vẫn tốt, hàng ngày vẫn theo dõi tin tức qua báo chí, ghi chép và tiếp xúc bạn bè.

Tôi muốn tiếp tục dùng quãng thời gian hiện nay để tiếp tục nghiên cứu lịch sử Đảng, nghiên cứu về Hồ Chí Minh, phát hiện những vấn đề cần thiết, đóng góp cho Đảng.

Cá nhân tôi không có nhu cầu gì. Tôi chỉ tâm nguyện một điều là làm thế nào tấm gương Bác Hồ như thế, lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới phải học sao cho hiệu quả. Tôi trăn trở lắm, vì dưới học mà trên không học được bao nhiêu.

Còn về vấn đề lý luận tôi nghiên cứu thì thấy, đất nước mình đã đổi mới, nhưng mình chưa đổi mới được toàn diện. Mới đổi mới kinh tế thôi, mà kinh tế còn mò mẫm, chính trị chưa đổi mới nhiều…

Chẳng hạn trong cách họp Quốc hội, người ta quan tâm nhiều đến Quốc hội họp thế nào, các cuộc chất vấn thực hiện ra sao hơn là làm sao để xác định rõ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Trên cơ sở đó, đất nước phải lấy gì làm chuẩn? Đó là Hiến pháp, thể hiện đường lối chính sách của Đảng đã luật hóa. Vấn đề đúng hoặc không đúng đều phải dựa trên Hiến pháp để xem xét.

Tôi vẫn trăn trở muốn đóng góp nhiều thứ mà không không biết có thể đóng góp thế nào?

Theo Bùi Dũng (TuanVietNam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *