Sáng 12/6, ngay sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã đăng đàn trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bộ trưởng Nguyễn Quân tập trung trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Khẩn trương hình thành các định chế trung gian trong thị trường công nghệ

Đề cập tới một trong những hạn chế tồn tại của nền khoa học nước nhà là chưa có thị trường khoa học công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân vì sao đến nay Việt Nam chưa có thị trường khoa học và đề nghị Bộ trưởng nói rõ trách nhiệm và giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích và nhìn nhận rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và cá nhân Bộ trưởng trong vấn đề này. Bộ trưởng cho biết thị trường khoa học là thị trường phát triển muộn nhất trong các thị trường của Việt Nam. Sau năm 2000, Việt Nam mới bắt đầu xây dựng thị trường này. Năm 2004, Thủ tướng đã có quyết định về phát triển thị trường khoa học công nghệ và năm 2014 có quyết định về thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Thị trường khoa học công nghệ có bốn yếu tố. Thời gian trước, Việt Nam mới quan tâm hai yếu tố là cung và cầu công nghệ. Cung là các sản phẩm của các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học, các tổ chức cá nhân. Cầu chính là các doanh nghiệp. Trong bốn yếu tố đó, hai yếu tố chưa được quan tâm thỏa đáng, đó là các định chế trung gian trong thị trường công nghệ và môi trường pháp lý của thị trường công nghệ.

Những năm gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực xây dựng thể chế cho khoa học công nghệ. Đến nay, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường công nghệ đã được hoàn thiện. Bộ trưởng nhìn nhận khâu yếu nhất hiện nay đó chính là xây dựng định chế trung gian trong thị trường công nghệ. Yếu kém này dẫn đến kết quả nghiên cứu không đến được với sản xuất và kinh doanh.

Làm rõ hơn về khâu yếu này, Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam không có các định chế trung gian, các tổ chức làm dịch vụ trong thị trường khoa học công nghệ như các tổ chức môi giới, tư vấn, giám định, đánh giá, kiểm tra kiểm định nên các nhà khoa học không tìm được địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu của mình. Các doanh nghiệp vẫn đi tìm nguồn công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài.

Để giải quyết khâu yếu này, Bộ trưởng khẳng định cần đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian. Cụ thể hóa việc này, Bộ đã có những bước đi cụ thể, trong đó tập trung vào các sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, các doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau thông qua tổ chức trung gian là ban quản lý các sàn giao dịch công nghệ. Cùng với đó, các chợ về thiết bị công nghệ quốc gia, khu vực và quốc tế cũng được tổ chức; qua đó các nhà khoa học, doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết do khó khăn về ngân sách và biên chế, việc hình thành các tổ chức dịch vụ trung gian trong thị trường công nghệ công lập đang vướng mắc trong khi tư nhân thì chưa thực sự quan tâm vấn đề này.

Với quyết tâm giải quyết điểm nghẽn này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng ban hành quyết định mới về thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ và có chương trình quốc gia về phát triển thị trường công nghệ; đồng thời, với vai trò quản lý ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xúc tiến việc tìm kiếm các nguồn đầu tư để sớm thành lập các đơn vị, các định chế trung gian trong thị trường công nghệ, góp phần hỗ trợ nguồn cung và cầu.

Làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội liệu có phải do cơ chế phân bổ kinh phí làm chậm quá trình hình thành thị trường khoa học công nghệ hay không? Bộ trưởng nhìn nhận đây là một nguyên nhân quan trọng. Hiện nay, do còn khó khăn về ngân sách nhà nước, biên chế, nên rất khó để có được các tổ chức dịch vụ trung gian với số lượng đông đảo phục vụ cho thị trường công nghệ. Tuy nhiên, với nhận thức đây là trách nhiệm của ngành cũng như là trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết sẽ tập trung cho khâu yếu nhất này để hoàn thiện bốn khâu của thị trường công nghệ, giúp thị trường công nghệ sớm vận hành hiệu quả.

Làm rõ thêm về thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết trước khi Luật Khoa học công nghệ năm 2000 được ban hành, Việt Nam còn chưa có khái niệm về thị trường khoa học công nghệ. Hiện nay, trong giới khoa học vẫn còn hai trường phái là có thị trường khoa học công nghệ hay là chỉ có thị trường công nghệ mà không có thị trường khoa học.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, kiên trì thực hiện thị trường khoa học và công nghệ, cả những ý tưởng khoa học cũng có thể chuyển nhượng, đấu giá và chuyển giao để mang lại lợi ích kinh tế. Thực tế, các kết quả nghiên cứu khoa học, ý tưởng nghiên cứu khoa học cũng tham gia được vào thị trường. Thông qua sàn giao dịch công nghệ, chợ giao dịch thiết bị công nghệ, các sự kiện kết nối cung-cầu… rất nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho doanh nghiệp và trở thành hàng hóa phục vụ xã hội.

Loại bỏ đề tài khoa học xếp ngăn kéo

Đánh giá hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học hiện còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng đề tài xếp ngăn kéo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Quân bao giờ khắc phục được vấn đề này.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hằng năm có khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng dành cho hoạt động nghiên cứu này. Nói về đề tài xếp ngăn kéo, Bộ trưởng Nguyễn Quân phân ra làm ba loại. Loại một về nghiên cứu cơ bản chủ yếu là xếp ngăn kéo bởi tính chất của loại nghiên cứu này luôn đi trước thời đại, cần phải chờ đợi sự phát triển của xã hội đến một mức độ nhất định mới ứng dụng được. Loại hai là những nghiên cứu ứng dụng. Đặc điểm của loại đề tài này là để ứng dụng được phải có điều kiện đầu tư.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trên thực tế, nhiều đề tài đã nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư trong khi ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho giai đoạn nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Các nghiên cứu này muốn ứng dụng được cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, doanh doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, chưa đủ năng lực đầu tư nên nhiều đề tài tốt vẫn phải chờ đợi. Bộ trưởng thừa nhận có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, nghiên cứu xong nhưng không ứng dụng được. Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc nghiên cứu đề tài không xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế, mà từ sở thích và mong muốn của các nhà khoa học.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc làm gì để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu rõ Luật Khoa học và công nghệ đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này. Luật quy định những nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước phải là nhiệm vụ theo đặt hàng, phải xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh và cuộc sống, không được xuất phát từ ý thích.

Nghị định 8 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ cũng đã quy định rõ về cơ chế đặt hàng. Các tổ chức, cá nhân có quyền đề xuất mong muốn của mình nhưng cơ quan quản lý phải căn cứ vào chiến lược phát triển và nhiệm vụ được giao xác định yêu cầu đó có đáp ứng không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan. Đồng thời, Nghị định quy định rõ các cơ quan đặt hàng phải cam kết khi tổ chức nghiên cứu thành công phải tiếp nhận và ứng dụng thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng chỉ khi nào thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Khoa học và Công nghệ, sẽ chấm dứt được tình trạng đề tài xếp ngăn kéo.

Làm rõ thêm câu hỏi của đại biểu về phân bổ đề tài, kinh phí, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết kinh phí dành cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ có ba loại nhiệm vụ gồm nhiệm vụ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền giao cho trực tiếp quản lý; nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh giao cho các bộ và tỉnh trực tiếp quản lý, ngoài ra có hệ thống nhiệm vụ cấp cơ sở. Theo đó, việc phân bổ, giao kinh phí các đề tài dự án tuân thủ theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Khoa học và Công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề cập đến việc đề tài, dự án đưa vào ứng dụng chậm, Bộ có giải pháp nào đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Quỹ phát triển khoa học công nghệ chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu cơ bản và phát huy tác dụng tốt trong năm năm vừa qua, tốc độ công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng lên hơn hai lần.

Việc chuyển giao kết quả ứng dụng vào sản xuất kinh doanh, ngoài chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng cũng là nguồn lực quý của Nhà nước hỗ trợ các đề tài, dự án sau khi nghiên cứu thành công, tìm được địa chỉ ứng dụng là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh sản phẩm khoa học đó với sự hỗ trợ của nhà nước tối đa 30% tổng kinh phí dự án và 50% đối với dự án thực hiện ở vùng đặc biệt khó khăn và an ninh quốc phòng. Vấn đề là doanh nghiệp cần phải có đủ nguồn vốn đối ứng và kết hợp chặt chẽ với nhà khoa học là tác giả nghiên cứu.

Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ sử dụng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia của Chính phủ, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cùng với một loạt chương trình quốc gia khác Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì. Các chương trình này đều có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Ứng dụng khoa học vào nông nghiệp

Giải đáp băn khoăn của đại biểu trước thực tế Việt Nam hiện ít có giống chất lượng cao trong nông nghiệp, chưa có sản phẩm quốc gia, đâu là nguyên nhân và giải pháp? Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp đó là giống. Tuy nhiên trên thực tế, các giống lúa của Việt Nam chưa được sử dụng với quy mô lớn. Nguyên nhân của việc này do doanh nghiệp chưa quan tâm thương mại hóa các giống lúa do các nhà khoa học tạo ra. Hơn nữa lại có sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng. Các nước khác có giống lúa lai giá rất rẻ, nông dân của Việt Nam sản xuất ở quy mô nhỏ, không đủ nguồn lực nên hay mua giống rẻ trôi nổi trên thị trước.

Theo Bộ trưởng, nếu Việt Nam tổ chức sản xuất lớn, chắc chắn sẽ lựa chọn được nhiều loại giống tốt của Việt Nam, bởi Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long là một địa chỉ uy tín về chọn tạo giống của Việt Nam.

Đề cập về sản phẩm quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Thủ tướng đã xác định có chín sản phẩm quốc gia, trong đó có ba sản phẩm về nông nghiệp là lúa gạo, cá da trơn và nấm ăn, nấm dược liệu. Riêng lúa gạo, Bộ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được ủy quyền chủ trì chương trình quốc gia về sản phẩm quốc gia. Qua hai năm triển khai chương trình, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tập trung vào chuỗi giá trị của hạt gạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò phê duyệt khung chương trình. Bộ trưởng Nguyễn Quân tin tưởng trong vài năm nữa, những sản phẩm quốc gia trong nông nghiệp sẽ có giá trị thương hiệu của mình.

Về việc lệ thuộc vào giống cây trồng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm, với nguồn kinh phí hàng năm không lớn thông qua Quỹ gen, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho các bộ, ngành bảo tồn được quỹ gen của tất cả giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao của Việt Nam để phát triển giống phù hợp với điều kiện canh tác, song song với việc nhập khẩu và làm chủ giống của nước ngoài.

Bộ trưởng đánh giá, Việt Nam bảo tồn quỹ gen tốt nhưng phát triển chưa được tốt. Đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Với nhiệm vụ quản lý nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có phần trách nhiệm trong việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Hiện nay, giống Việt Nam làm tốt kể cả giống cây trồng vật nuôi, nhất là giống thủy sản với việc làm chủ được nhiều giống mới như cá tầm, cá hồi… Tuy nhiên, sau vấn đề về giống, cần làm tốt việc nuôi trồng, bảo quản, chế biến để tạo ra giá trị cao, vì vậy cần đầu tư theo chuỗi.

Theo Bộ trưởng, điều này ngân sách nhà nước không thể làm được mà phải trông cậy vào nguồn lực đầu tư của xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp. Bộ trưởng nhìn nhận, trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ là chưa tạo ra được cơ chế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này, qua đó đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia… để hỗ trợ cho những doanh nghiệp tiềm năng, những doanh nghiệp thực sự có năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ để họ đầu tư vào giai đoạn tiếp theo với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, nhằm đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất./.

Nguồn: Quỳnh Hoa-Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *