Ngày 21.4, viện Pasteur TP.HCM đã cùng các sở y tế phía nam họp bàn việc giám sát, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tiêu chảy cấp.
Hiện nay, số ca mắc khuẩn tả của cả nước đã lên tới 19, trong đó TP.HCM chiếm tỉ lệ cao nhất (7 ca). Theo nhận định của ngành y tế: tình hình dịch tả ở khu vực phía nam sẽ lan rộng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, gần đây số ca tả trong khu vực nội thành TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng, chưa biết sẽ chấm dứt lúc nào.
Trước đó, ngày 20.4, UBND TP.HCM đã họp và quyết định, công ty cấp nước thành phố đưa nguồn nước bằng xe bồn tới bán cho người dân ở xóm ghe ăn uống, sinh hoạt với giá vừa phải, đồng thời xây nhà vệ sinh công cộng đáp ứng nhu cầu vệ sinh cho người dân.
Nguy cơ bùng phát dịch ở phía nam khá lớn
Ông Trần Ngọc Hữu, viện trưởng viện Pasteur cho biết: "TP.HCM sẽ phối hợp với các tỉnh phía nam cùng chống dịch, viện Pasteur cùng với viện Y tế công cộng làm đầu mối thông tin để điều phối hỗ trợ lẫn nhau khống chế dịch. Việc An Giang chủ động đưa người qua Campuchia hỗ trợ phòng chống dịch là điều đáng mừng, vì Campuchia là một ổ dịch lớn".
Nhận định về tình hình dịch tả tại TP.HCM, ông Lê Trường Giang, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết, qua 7 ca mắc tả vừa qua cho thấy, phẩy khuẩn tả lây nhiễm qua hai nguồn: thứ nhất do hàng rong bán trước trường học, từ hai mẹ con lây lan phát triển lên thành 5 ca. Ngành y tế TP.HCM đã nhanh chóng có các biện pháp phòng thủ, bao vây, khống chế, kiểm soát hoàn toàn ổ dịch này. Đã 16 ngày trôi qua, thành phố không phát hiện thêm ca nào từ ổ dịch này nữa.
Ổ nguồn thứ hai được đánh giá phức tạp hơn, đó là những người sống trên ghe, bến ghe ở quận 7. Tất cả các ghe xuồng của người dân miền Tây tập trung đến bến này mưu sinh. Hiện nay, có hai trường hợp nhiễm khuẩn tả và một số trường hợp nghi ngờ và chờ một số xét nghiệm. Mặc dù khi xuất hiện ca tả đầu tiên ở phía bắc, TP.HCM đã có biện pháp dự phòng chủ đạo, tuy nhiên do mỗi ngày TP.HCM đón hàng triệu người dân đến, kể cả khách du lịch nên việc truy tìm, kiểm soát nguồn lây từ khách là không xuể. Năm 2008, có một nguồn bệnh tả từ Hải Phòng, sau đó vào TP.HCM lây nhiễm bệnh cho người thành phố.
Điểm yếu của TP.HCM lúc này là hàng rong. Khắp nơi trong thành phố đâu đâu cũng có, khó quản lý, chất lượng hàng rong không đảm bảo. Cái khó quản lý nữa là người dân cư trú trên các ghe, xuồng, tàu khi ăn, ở, tắm, đi vệ sinh… đều thải xuống sông, nên việc khống chế khó khăn hơn nhiều. Dự báo trong thời gian tới, có khả năng vẫn còn thêm những ca tả phát sinh ở nơi đây.
Đâu đâu cũng thấy thực phẩm nhiễm khuẩn
Bác sĩ Lê Vinh, phó viện trưởng viện Vệ sinh – y tế công cộng TP.HCM cho biết, qua một số nghiên cứu của viện về các loại thực phẩm cho thấy có nhiều thực phẩm nhiễm vi sinh, nhiễm khuẩn cao và vượt mức cho phép. Cụ thể: xét nghiệm nước trà, nước uống tinh khiết đóng chai, bếp ăn tập thể… đều có nhiễm vi sinh Coliforms, E.coli. Thực phẩm như chè, trà đá không đạt chuẩn chiếm 67%. Rau xà lách có đến 40% không đạt tiêu chuẩn sạch, nhiễm ấu trùng, giun sán, giun móc, giun kim….
Viện vệ sinh y tế công cộng cũng tiến hành lấy mẫu quét bàn tay người chế biến thức ăn với 78 mẫu, trong đó 60 mẫu không đạt, chiếm 76,92%, số mẫu nhiễm Coliforms là 52 (86,7%)…
Trước tình hình nắng nóng, dịch bệnh lây lan nhanh, ngành y tế khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi, nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; vệ sinh cơ thể sạch sẽ để bảo vệ cho chính mình và cho cộng đồng.
Theo SGTT