Để khai thác tốt nguồn tài nguyên đất và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, gần đây, các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp nhiều nông hộ nâng cao được thu nhập.

Mô hình trồng hành lá trên đất ruộng

Chủ trương vận động nông dân đưa cây màu xuống ruộng vừa giúp bà con cải tạo đất, tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn, vừa nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã vận động nông dân đưa cây màu xuống ruộng được hơn 11.600 ha, tăng 1.575 ha so với năm 2009, nâng diện tích trồng màu của tỉnh lên 27.000 ha.

Đặc biệt gần đây, nhờ nhà nước quan tâm đầu tư về thủy lợi nên nhiều địa phương đã xây dựng được các vùng trồng màu chuyên canh, mang lại lợi nhuận khá cao cho người sản xuất.

Không riêng gì cây màu mà gần đây, diện tích trồng cây ăn trái của tỉnh Vĩnh Long cũng không ngừng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 140 ha chuyển từ đất lúa sang lập vườn, nâng tổng diện tích vườn cây lâu năm trong tỉnh lên 46.400 ha, tăng 440 ha so với cùng kỳ năm trước.

Riêng đối với cây lúa, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thành lập các vùng chuyên canh, tỉnh Vĩnh Long cũng luôn quan tâm đến việc tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến và chuyển giao giống lúa chất lượng. Nhờ vậy, tuy diện tích đất canh tác giảm nhưng sản lượng lúa vẫn đảm bảo do năng suất ngày càng tăng. Điển hình như vụ lúa Đông Xuân 2009 – 2010, năng suất lúa bình quân trong tỉnh tỉnh đạt 6,78 tấn/ha, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Thực tế cho thấy, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, ngoài việc đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nó còn góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm của tỉnh. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Vĩnh Long đạt hơn 3.159 tỷ đồng, tăng 6,39 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt gần 2.748 tỷ đồng, tăng 4,95% so với cùng kỳ.

Duy trì diện tích đất trồng lúa phù hợp và mở rộng thêm diện tích trồng màu, cây ăn trái theo đúng qui hoạch sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Vĩnh Long phát triển. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng này sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đồng thời cũng giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Hồ Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *