Qua theo dõi sự phát triển của các lứa rầy nâu cũng như sự di chuyển của chúng từ vùng này đến vùng khác, Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Vĩnh Long đã gửi mẫu giám định và kết luận tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa trên địa bàn tỉnh rất cao.
Nông dân phun xịt thuốc trừ rầy đồng loạt |
Kết quả theo dõi bẫy đèn tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh từ ngày 20 đến ngày 23/11 cho thấy, rầy trưởng thành có cánh bay vào đèn dày đặc, số lượng rầy vào đèn cao nhất tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm lên đến 15.000 con/1 bẫy đèn.
Theo kết quả giám định của Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, hầu hết rầy vào đèn tại 3 huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm đều mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá lúa. Riêng tại huyện Mang Thít, tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh chiếm 60%. Đây là nguy cơ lớn cho lúa Đông Xuân ở Vĩnh Long vì phải đối phó đợt rầy nâu phát tán với mật số rất cao và khả năng nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ngay từ đầu vụ là rất lớn.
Để phòng trị rầy nâu hiệu quả, bảo vệ vụ lúa Đông Xuân 2009-2010, ngành Bảo vệ Thực vật tỉnh Vĩnh Long đã cử cán bộ tăng cường giám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ dịch bệnh; khuyến cáo nông dân sử dụng các giống kháng rầy, áp dụng biện pháp “3 giảm, 3 tăng” và tổ chức đặt thêm bẫy đèn để diệt rầy. Đặc biệt, cán bộ chuyên ngành còn hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật bảo vệ cây lúa non 20 ngày tuổi như kỹ thuật nong nước tránh để rầy chích hút và truyền bệnh; khuýên khích nông dân ra quân phun xịt thuốc trừ rầy đồng loạt để cây lúa tăng trưởng tốt, đủ sức chống chịu với các loại dịch hại.
Lê Hải