Nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, thời gian qua, cùng với việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư xây dựng các khu, tuyến công nghiệp, phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo tiền đề thu hút mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Vĩnh Long còn chú trọng khuyến khích phát triển các làng nghề nông thôn, xem đây là điều kiện để phát triển ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương.

Là một trong những địa phương hình thành và phát triển nghề truyền thống sản xuất gạch, gốm cách đây hằng trăm năm, hiện nay, trên địa bàn huyện Mang Thít, ngành nghề này vẫn còn đang tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Toàn huyện hiện có hơn 1.200 cơ sở sản xuất gạch gốm, đạt giá trị sản xuất gần 500 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho gần 10.000 lao động tại địa phương,

Cùng với huyện Mang Thít, các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm cũng đã phát triển các nghề sản xuất gạch, gốm, đan thảm lục bình, se lõi lát, làm bánh tráng……

Qua khảo sát, đánh giá, toàn tỉnh đã công nhận 17 làng nghề để có hướng hỗ trợ đầu tư thích hợp. Từ năm 2006 đến nay, từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách địa phương, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng cho việc phát triển các làng nghề nông thôn. Trong đó, chú trọng việc dạy nghề nông thôn, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tập huấn, đào tạo công tác quản lý sản xuất.

Để phát huy tiềm năng của các làng nghề tại địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Ngoài việc định hướng phát triển, khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống theo hướng hội nhập, đề án còn hướng đến các mục tiêu: năm 2010, giá trị sản xuất của các làng nghề chiếm từ 50 đến 55% giá trị sản xuất của ngành công nghiệp tỉnh, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong nông thôn chiếm 20 đến 25% giá trị sản xuất chung của từng huyện và 18% lao động nông thôn tham gia vào hoạt động của làng nghề.

Tuy vậy, cùng với những lợi thế sẵn có như vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ ổn định và nguồn lao động dồi dào thì tỉnh Vĩnh Long còn phải sớm triển khai nhiều giải pháp cụ thể mới đảm bảo triển khai tốt đề án.

Hiệu quả hoạt động của các làng nghề đã từng bước được khẳng định, không chỉ làm tăng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương mà còn góp phần đáng kể trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Với những cơ chế chính sách hợp lý trong thời gian tới, các làng nghề ở tỉnh Vĩnh Long sẽ có cơ hội phát triển, tiến tới khẳng định thương hiệu sản phẩm của từng ngành nghề, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế tỉnh nhà.

Anh Kiệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *