Những người lính khi trở về với đời thường, do hạn chế về sức khoẻ, thiếu vốn và tư liệu sản xuất, nên luôn gặp khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, những người lính này luôn có chung một điểm nổi bật là tinh thần và nghị lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Anh thương binh Đỗ Ngọc Giao, ở ấp 4, xã Chánh Hội, huyện Mang Thít là một trong những điển hình như thế.
Từ năm 1986 đến 1989, anh Đỗ Ngọc Giao tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia và bị thương ở tay và chân. Sau thời gian nằm viện điều trị, năm 1991, anh xuất ngũ trở về địa phương với tỷ lệ thương tật hạng 1/4, tình trạng sức khoẻ chỉ còn 19%. Năm 1998, sau khi kết hôn cùng chị Đặng Thị Chín, thấy hoàn cảnh gia đình anh Giao quá khó khăn, chính quyền địa phương đã vận động cất cho anh căn nhà tình nghĩa, giúp anh an cư lạc nghiệp.
Mặc dù những vết thương trên cơ thể thường xuyên gây đau nhức thế nhưng anh Giao vẫn hăng say lao động để có thu nhập, cải thiện đời sống. Hằng ngày, anh đi xây lò cho các chủ cơ sở sản xuất gạch trong và ngoài huyện. Vợ anh làm công nhân ở lò gạch. Cuộc sống tuy vất vả, nhưng anh chị đều cố gắng vượt qua để vươn lên thoát nghèo.
Nhờ cần cù lao động, chịu thương chịu khó, chỉ sau một thời gian ngắn, vợ chồng anh đã tích luỹ được số vốn. Năm 2008, anh chị đã dùng số tiền tích lũy được thuê gần 3 công đất ruộng để làm lúa và đã thoát khỏi tình trạng đong gạo chợ. Hiện tại, thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng gần 4 triệu đồng. Gần đây, anh cũng mua được một xe gắn máy để làm phương tiện đi lại, tạo thuận lợi cho công việc làm ăn.
Với đôi bàn tay trắng, anh thương binh Đỗ Ngọc Giao luôn phát huy truyền thống của người lính cụ Hồ, không ỷ lại và luôn lao động bằng chính sức lực của mình để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Với những nỗ lực đó, thương binh Đỗ Ngọc Giao được Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Vĩnh Long tặng bằng khen và UBND huyện Mang Thít công nhận anh là thương binh kiểu mẫu.
Thanh Minh