Thời gian qua, mặc dù giá cá tra nguyên liệu không ổn định, có thời điểm người nuôi thua lỗ, song nhìn chung, nghề nuôi cá tra công nghiệp ở ĐBSCL vẫn phát triển. Cụ thể như ở Vĩnh Long, năm 2007, tổng diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh đạt hơn 267 ha; năm 2008 đạt hơn 390 ha và đến giữa năm 2010 là hơn 400 ha. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển thì nghề nuôi cá tra luôn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Ảnh minh họa |
Dù đã nhiều năm phát triển nghề nuôi cá tra nhưng cho đến nay, giữa người nuôi với các cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu vẫn chưa có được sự liên kết chặt chẽ để giảm rủi ro và cùng chia sẻ lợi nhuận. Thậm chí, họ còn làm khó nhau.
Hiện nay, sản phẩm cá tra Việt Nam đang chiếm trên 99% thị trường thế giới và vị trí này sẽ còn giữ vững trong nhiều năm tới. Theo quy hoạch của Bộ NN – PTNT đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra nước ta đạt khoảng 13.000 ha, gấp đôi hiện nay với tổng sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong phát triển bền vững nghề nuôi cá tra là cần phải có một giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ phía nhà nước và ngành chuyên môn. Trong đó, vai trò của sự liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, với doanh nghiệp sản xuất thức ăn và cả ngành ngân hàng được xem là vấn đề then chốt. Bởi chỉ có liên kết, cùng chia sẻ lợi nhuận thì tình trạng bấp bênh đối với nghề nuôi cá tra mới có thể chấm dứt và khi đó, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL mới phát huy đúng với thế mạnh và tiềm năng vốn có của nó.
Nguyễn Phước