Múa một loại hình văn hóa nghệ thuật không thể thiếu đối với đồng bào Khmer vào những dịp lễ, tết. Thời gian qua, nghệ thuật này luôn được bà con Khmer trân trọng, nâng niu và giữ gìn như một tài sản tinh thần vô giá mà ông cha đã dành tặng. Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo này của người Khmer.
Ảnh minh họa |
Ở trường Tiểu học Tân Mỹ A, huyện Trà Ôn, ngôi trường có đông học sinh Khmer theo học, thời gian qua, để góp phần giữ gìn và phát huy nét văn hóa độc đáo này của dân tộc Khmer, trường đã quan tâm hướng dẫn các em học sinh những kỹ năng múa cơ bản, thành lập nhóm múa Khmer, việc làm này đã giúp các em học sinh hiểu và càng yêu thích các điệu múa truyền thống của dân tộc mình.
Đồng bào Khmer có rất nhiều điệu múa như Rămvông, Lămleo, Saravan…nhưng phổ biến nhất vẫn là múa Lâm thôn, bởi điệu múa này khá gần gũi và thân thiện. Các động tác múa khá đơn giản, khi tiếng nhạc vang lên, mọi người cùng uyển chuyển bước chân theo nhịp điệu, mọi người cùng di chuyển thành vòng tròn, nữ thì lượn 2 tay lên trước ngực thể hiện sự e lệ, nam thì dang rộng 2 cánh tay về phía hai bên hông thể hiện sự mạnh mẽ, chở che cho người bạn múa.
Dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại cùng nhiều cao trào giải trí hiện đại, song điệu múa Khmer vẫn được nhiều người yêu thích. Người ta có thể tổ chức múa ở mọi nơi từ nơi sân khấu rực rỡ, sân chùa hay sân nhà vào những dịp lễ hội. Hầu hết các điệu múa truyền thống đều có nét vui nhộn được thể hiện qua sự phối hợp các động tác tay chân một cách nhịp nhàng, sinh động theo từng điệu nhạc. Các điệu múa của đồng bào Khmer có thể múa thành vòng tròn hoặc múa thành hàng và không giới hạn số người tham gia.
Những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời pha chút hóm hỉnh mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer không chỉ giúp mọi người quên đi những vất vả trong cuộc sống mà còn thắt chặt thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.
Xuân Hòa