Từ ngày xưa, ông cha ta đã có những phương pháp để đánh bắt thủy sản trên sông cũng như trên ruộng lúa. Do nguồn lợi thủy sản lúc bấy giờ còn phong phú, trong khi dân lại thưa nên việc đánh bắt thủy sản không ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái.
Nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt đến mức báo động do nạn khai thác kiểu tận diệt |
Ngày nay, nguồn lợi thủy sản đang cạn kiệt đến mức báo động vì nhiều người dân khai thác theo kiểu tận diệt bằng những phương pháp như kích điện, cào điện hay đặt dớn (có người gọi là đặt lú) với mắt lưới siêu nhỏ. Với kiểu đánh bắt như thế thì một ngày không xa, nguồn lợi thủy sản sẽ không còn.
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa nước nổi – mùa các loài thủy sản có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình… đi đến đâu, người ta cũng dễ thấy những hình ảnh khai thác cá, tôm theo kiểu đặt dớn. Kiểu khai thác này mang lại lợi ích kinh tế cao gấp nhiều lần so với đánh bắt thông thường, nên mức độ khai thác ngày một nhiều hơn.
Với 5 chiếc dớn mỗi đêm, một người đánh bắt thu được khoảng 3kg cá, trong đó, có rất nhiều cá con. Như vậy, vào mỗi mùa nước nổi, 5 chiếc dớn này có thể bắt được khoảng hơn 100kg các con các loại. Như vậy, với hàng ngàn cái dớn trên những đồng nước hiện nay thì số lượng cá non bị giết hại là rất lớn. Vì vậy, Pháp luật Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã nghiêm cấm các kiểu khai thác tận diệt này và có những hình thức chế tài cụ thể, mức phạt từ 500 ngàn đến 5 triệu đồng, tùy theo từng hành vi. Hành vi xung điện, xiệt điện mức phạt cao hơn, từ 3 triệu đến 7 triệu đồng.
Nước nổi về mang theo nhiều tôm cá. Nguồn lợi thủy sản này đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều người nhưng vấn đề là phải khai thác như thế nào cho hợp lý, để vừa có hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo điều kiện sinh sôi, nảy nở cho các loài thủy sản, nhằm phục vụ lâu dài cuộc sống của con người.
Trường Sơn