Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vừa công bố báo cáo cho thấy nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển năm 2022 đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, đồng thời cảnh báo xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo thường niên của WMO, nồng độ cả 3 loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính là các-bon đi-ô-xít, mê-tan và ni-tơ ô-xit đều ở mức cao kỷ lục trong năm 2022. Trong đó, nồng độ các-bon đi-ô-xít trung bình toàn cầu lần đầu tiên cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

WMO cảnh báo sự gia tăng nồng độ các loại khí thải trên đồng nghĩa với việc nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn và mực nước biển dâng cao hơn. Trước tình hình này, WMO kêu gọi thế giới cần khẩn trương giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Ông Petteri Taalas – Tổng Thư ký WMO phát biểu: “Chúng ta vẫn có thể tránh được các kiểu thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, lũ lụt, hạn hán, mưa bão… nếu chúng ta hạn chế lượng khí thải theo mức giới hạn của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đêm 15/11 nhận định, cuộc khủng hoảng khí hậu đang gây áp lực chưa từng có đối với hệ thống y tế thế giới, làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. WHO kêu gọi các nước chuyển đổi sang năng lượng sạch và tái tạo để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu./.

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *