Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức vừa công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên về vaccine ung thư CARVac với hiệu quả khả quan, mở ra hy vọng có thể chế ngự thành công căn bệnh nan y này trong tương lai.
Ảnh minh họa
Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 ở 44 bệnh nhân ung thư cho thấy sau khi được tiêm vaccine CARVac dựa trên công nghệ mRNA, các khối u đã ngừng phát triển, thậm chí bị thu nhỏ lại. Cụ thể, 45% số bệnh nhân có kích thước khối u giảm ít nhất 30%, trong khi bệnh tình của 74% bệnh nhân ổn định sau khi tiêm vaccine, điều đó có nghĩa là khối u không tiếp tục phát triển.
Về tác dụng phụ, trong quá trình tiêm vaccine, phản ứng viêm tăng lên phụ thuộc vào liều lượng xuất hiện ở 23 trong số 44 bệnh nhân. Đa số các trường hợp này bị sốt và tụt huyết áp.
Với loại vaccine mới, công ty BioNTech dựa vào liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T, trong đó hệ thống phòng vệ của cơ thể sẽ nhắm mục tiêu vào các tế bào khối u. Vaccine ung thư công nghệ mRNA khác với vaccine thông thường. Trọng tâm của vaccine không phải là phòng ngừa, mà nhằm huấn luyện hệ thống miễn dịch của người bệnh chống lại bệnh ung thư.
Nghiên cứu vaccine giai đoạn 2 ở người sẽ được bắt đầu vào năm 2024./.
Thái Kim