Một trong những sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trong tuần qua là vụ lính biệt kích Israel tấn công đội tàu viện trợ đang tìm cách tiếp cận vùng lãnh thổ Dải Gaza của người Palestine trên hải phận quốc tế.
Tàu Rache Corrie đang trên đường chở hàng viện trợ tới Gaza |
Dường như ai cũng biết trước việc hải quân Israel sẽ chặn đội tàu này nhưng có lẽ không ai dám ngờ rằng, hành động đó kết thúc bằng một vụ đổ máu. Chiến dịch của Israel đã khiến hàng ngàn người trên toàn thế giới xuống đường biểu tình phản đối.
Gần 10 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương khi lực lượng biệt kích Israel và các nhà hoạt động của một trong những chiếc tàu cứu trợ đụng độ với nhau. Phái đoàn điều tra vẫn đang tìm hiểu xem thực tế điều gì đã xảy ra, nhưng đằng sau sự kiện đang được đăng tải trên các phương tiện truyền thông quốc tế là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Đó là cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas, phong trào dân quân Hồi giáo Palestine đang kiểm soát Dải Gaza.
Các nhà phân tích trong khu vực đã đưa ra những nhận định khác nhau về việc ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Tuy nhiên, họ có chung quan điểm rằng, việc hòa giải giữa 2 nhóm Hamas và Fatah trong nội bộ dân tộc Palestine sẽ giúp chấm dứt tình trạng bị phong tỏa lâu nay ở Dải Gaza và giúp ngăn chặn được bạo lực trong tương lai.
Việc cử đội tàu cứu trợ quốc tế tới Dải Gaza là dụng ý của những nhà hoạt động ủng hộ Palestine, qua đó họ muốn gởi gấm thông điệp mạnh mẽ tới Chính phủ Israel rằng cho dù họ “đánh giá thế nào về chính sách của Hamas, song việc bao vây Dải Gaza đang gây ra một thảm họa nhân đạo.”
Trái lại, Israel đã bác bỏ lý lẽ đó khi tố cáo đội tàu này đơn thuần là một biểu hiện của “sự khiêu khích,” đồng thời cáo buộc những người tổ chức sứ mệnh cứu trợ là ủng hộ các tổ chức khủng bố.
Theo quan điểm của người dân Palestine ở Dải Gaza, nếu Israel không áp đặt chính sách phong tỏa, sẽ không cần đến đội tàu cứu trợ và vụ đổ máu đã không xảy ra. Một chuyên gia Palestine cho biết, đây không phải là một cuộc bao vây toàn diện mà là bao vây cục bộ. Mặc dù ở chợ búa có rất nhiều hàng hóa nhưng vật liệu xây dựng không được phép đi qua các trạm kiểm soát an ninh của Israel. Điều đó khiến ông này lo ngại hơn cái mà ông gọi là “bao vây chính trị.”
Từ khi xảy ra vụ tấn công đội tàu viện trợ, Israel phải đối mặt với sự lên án gay gắt của quốc tế, nhưng thực tế cuộc sống của người dân Gaza cũng không được cải thiện. Giới phân tích cảnh báo rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cải thiện quan hệ với Israel cho đến khi nào các vấn đề cơ bản được giải quyết, nghĩa là Israel phải chấm dứt bao vây Dải Gaza.
Hầu hết các chuyên gia ở Jerusalem cho rằng, cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas xem ra sẽ khó chấm dứt trừ khi Hamas có sự thay đổi. Theo đó, phong trào Hồi giáo vũ trang này cần phải hàn gắn những rạn nứt hiện nay trong nội bộ người Palestine với nhóm Fatah và cho phép tổ chức bầu cử. Khi đó, nếu Hamas tham gia chính phủ, họ có trách nhiệm bãi bỏ việc phong tỏa Dải Gaza bằng cách phản ứng tích cực trước yêu cầu của cộng đồng quốc tế, chấp nhận các thỏa thuận trước đây giữa Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO).
Về phần mình, Hamas tố cáo rằng, Israel phạm tội khủng bố nhà nước trong khi nhiều dấu hiệu cho thấy một lần nữa khu vực này có nguy cơ tái diễn bạo lực, làm tăng thêm nỗi đau cho người dân của cả hai phía, đặc biệt là người Palestine ở Dải Gaza.
Thu Thủy