Đêm hôm kia, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã có bài phát biểu dài trước Hội nghị thế giới về an ninh lương thực tại trụ sở của tổ chức Nông – Lương LHQ (FAO) ở thủ đô Roma của Italia. Trong đó, ông nhấn mạnh mối liên hệ giữa nạn đói và tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Điều đặc biệt là ông Ban đọc diễn văn này trong lúc đang tuyệt thực để hưởng ứng hành động do Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf kêu gọi nhằm lên tiếng đánh động về nạn đói kinh niên trên thế giới.
Theo Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, có lương thực để ăn là một quyền cơ bản của con người, và an ninh dinh dưỡng là nền tảng để đảm bảo một cuộc sống đầy đủ, một nền giáo dục tốt cũng như sự ổn định về xã hội và chính trị. Ông nhấn mạnh, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ, tạo thành một “thách thức kép” nhưng chỉ cần “một hướng giải pháp”.
Ông Ban cho biết, dân số thế giới sẽ tăng lên 9,2 tỷ người vào năm 2050, tức gấp rưỡi so với con số hơn 6 tỷ hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng lương thực thế giới sẽ phải tăng 70% vào thời gian đó mới đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, những tác động tiêu cực từ hiện tượng Trái Đất ấm dần sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu lương thực. Vì vậy theo ông, sẽ “không có an ninh lương thực nếu không có an ninh khí hậu”.
Ông Ban Ki-moon hối thúc các nhà lãnh đạo trên thế giới thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm chấm dứt ngay lập tức nạn đói đang tác động đến hơn 1/6 dân số thế giới và đi đến một thỏa thuận toàn cầu mới về chống biến đổi khí hậu đúng thời hạn vào tháng 12 tới. Ông cũng kêu gọi hình thành một chiến lược mang tính cách mạng có thể thay đổi tích cực hoạt động sản xuất nông nghiệp, thị trường và cách thức phân phối lương thực. Ông cũng kêu gọi tăng cường sự tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt thông qua việc hỗ trợ nông dân ở các nước nghèo – lực lượng vốn là xương sống của nền nông nghiệp toàn cầu song song với việc huy động thêm các nguồn lực và củng cố sự liên kết giữa khu vực nhà nước và tư nhân để tăng cường đầu tư cho nông nghiệp.
Cũng tại Hội nghị, Tổng thống Libya Muammar Gaddafi kêu gọi các nước giàu chấm dứt việc mua đất nông nghiệp của châu Phi. Ông lên án việc này là một hình thức “phong kiến mới” đang có nguy cơ lan rộng đến các nước Mỹ La-tin.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đã đề ra 5 nguyên tắc đảm bảo an ninh lương thực. Đáng chú ý là phương pháp tiếp cận theo hai hướng, gồm hành động trực tiếp giúp những nước bị tác động nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu và các chương trình trung và dài hạn có thể duy trì được để loại bỏ tận gốc nạn nghèo đói.
Tuy nhiên, do không có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước phát triển, Hội nghị đã không đưa ra được mục tiêu và thời gian biểu cụ thể trong việc tăng hỗ trợ nông nghiệp cho các nước nghèo, cho dù FAO đề nghị mức hỗ trợ này là 44 tỷ đô-la mỗi năm. Tuyên bố chung của Hội nghị chỉ kêu gọi các nước giàu thực hiện cam kết hỗ trợ các nước nghèo 20 tỷ đô-la trong 3 năm tới. Cam kết này vốn đã được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8) ở L’Aquila, Italia hồi tháng 7 vừa qua.
Vĩnh Thới