Trong tuần qua, Thủ tướng Anh David Cameron đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Ấn Độ với mục tiêu khôi phục quan hệ song phương và tranh thủ củng cố mối bang giao đồng minh. Cùng đi với ông còn có 5 bộ trưởng, khoảng 50 nhà lãnh đạo của những doanh nghiệp hàng đầu cùng nhiều học giả danh tiếng của Anh.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và người đồng nhiệm Ấn Độ Manmohan Singh |
Tân Chính phủ Anh xếp Ấn Độ vào trung tâm của chiến lược đối ngoại. Điều đó nằm trong kế hoạch tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế mới nổi nhằm giúp Anh thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời củng cố quan hệ với các đồng minh chính trị mới. Bởi thế, khi vừa lên nắm quyền, Thủ tướng Cameron đã phát tín hiệu về mục tiêu hướng tới “mối quan hệ đặc biệt mới” với Ấn Độ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm đến New Delhi, ông Cameron đã lần lượt hội đàm với Thủ tướng Manmohan Singh, Tổng thống Pratibha Patil, Phó Tổng thống Hamid Ansari và Ngoại trưởng Mallaiah Krishna. Ngoài ra, lãnh đạo chính phủ Anh cũng đã gặp gỡ các nhà lập pháp hàng đầu Ấn Độ, các nhà đầu tư tiềm năng và ký kết một loạt hiệp định thương mại.
Anh từng là nhà xuất khẩu lớn thứ năm của Ấn Độ vào năm 2005, nhưng sau đó đã tụt xuống vị trí 18. Kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Ấn Độ sụt giảm từ 6,4 tỷ đôla trong năm 2008 xuống còn 2,9 tỷ đôla trong năm ngoái.
Sau một thập kỷ đường lối đối ngoại của chính quyền Luân đôn bị chi phối bởi 2 cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, giờ đây, Thủ tướng Cameron cam kết tái xây dựng quan hệ với các nước. Mối bang giao giữa Anh và Ấn Độ từng bị rạn nứt sau chuyến thăm vào năm ngoái của Ngoại trưởng Anh thời đó là ông David Miliband. Khi đó, ông Miliband đã khiến chính quyền New Delhi phật ý khi gắn vấn đề tranh chấp vùng lãnh thổ Kashmir với vụ khủng bố Mumbai vào cuối năm 2008.
Ngay lập tức, đảng đối lập BJP tại Ấn Độ đã gọi đó là một thảm họa trong quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Cameron không nằm ngoài mong muốn khắc phục lại sai lầm trước đây.
Nhìn lại lịch sử, khi Thủ tướng Tony Blair lên nắm quyền tại Anh vào năm 1997, người ta hy vọng ông sẽ thổi một luồng sinh khí mới cho quan hệ Anh – Ấn; song điều đó đã không thành hiện thực. Ngày nay, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Cameron đánh dấu một sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn trong mối bang giao song phương.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, Thủ tướng Cameron cần giải quyết một số vấn đề còn tồn tại như giải thích về tác động của chính sách nhập cư sắp tới mà chính phủ của ông đề ra. Chính sách này nhằm cắt giảm một nửa số người nhập cư từ bên ngoài châu Âu vào Anh từ tháng 04/2011.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma cảnh báo chính sách như thế sẽ tác động tới cộng đồng bác sỹ, y tá và kỹ sư Ấn Độ đang mong tìm việc làm tại Anh.
Ngoài ra, theo nhận định, các bộ trưởng Anh cũng cần đánh giá lại vấn đề viện trợ nước ngoài. Dự kiến, Anh sẽ cắt giảm 464 triệu đôla mà chính quyền Luân đôn dành cho Ấn Độ mỗi năm bất chấp mức chi tiêu ngân sách vẫn tăng.
Trước chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Anh Cameron, nhiều câu hỏi đã được đặt ra như tân Chính phủ liên minh giữa 2 đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do phải làm gì để không mất vị thế ở quốc gia mới nổi từng là thuộc địa của Anh. Ấn Độ hiện nằm trong Nhóm 20 nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G-20. Đất nước đông dân thứ nhì toàn cầu còn là đối tác lớn của khu vực Đông Nam Á, Australia, Nhật Bản và đang hướng tới một ghế thành viên thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc.
Thanh Tâm