Như vậy là năm 2010 đã qua đi, hàng tỷ người trên toàn cầu vừa đón chào năm mới 2011 trong không khí hân hoan và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng, trong năm nay, thế giới có lẽ phải làm quen với môi trường địa chính trị mới. Ngay từ bây giờ, người ta có thể hình dung về bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2011 được phác họa từ những mảng màu của năm cũ.

Ảnh minh họa

New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới chào đón năm mới 2011 vào lúc 12 giờ GMT tức 19 giờ ngày 31/12 tại Việt Nam. Hai tiếng đồng hồ sau đó, Australia cũng tiễn đưa năm cũ. Kế đến, nhiều nước từ châu Á đến châu Âu, châu Phi và châu Mỹ đều tổ chức mừng năm mới với pháo hoa, lễ hội và hoạt động đường phố.

Trong không khí hân hoan và hy vọng như thế, người dân nhiều nước từ phát triển đến đang phát triển và mới nổi vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề lo toan về kinh tế. Trong báo cáo sơ bộ về triển vọng kinh tế công bố vào đầu tháng 12 vừa qua, Liên hiệp quốc hy vọng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% trong năm 2011 và 3,5% trong năm kế tiếp, thấp hơn dự báo tăng trưởng 3,6% của năm 2010 và còn lâu mới đủ để khôi phục số việc làm bị mất đi trong thời khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giới chuyên môn cũng hạ thấp dự báo tăng trưởng của các nước phát triển và nhận định rằng, khu vực châu Á sẽ tiếp tục dẫn dắt quá trình hồi phục kinh tế thế giới.

Tại châu Âu, nhiều nước chưa kịp khắc phục xong hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm qua lại phải đương đầu với những khó khăn tài chính nghiêm trọng như khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách trầm trọng, thất nghiệp tràn lan… Năm 2011 này có thể được xem là thời gian thử thách gay go cho số phận của đồng euro và sự ổn định của Liên minh châu Âu.

Theo dự báo, kinh tế Mỹ sẽ chưa thể tạo được sự đột phá trong năm 2011. Quốc hội Mỹ nhiệm kỳ mới sẽ phải điều hành một nền kinh tế và thị trường việc làm ít có triển vọng cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự trì trệ kéo dài ở Mỹ và châu Âu chưa phải là vấn đề gây lo lắng hàng đầu đối với châu Á trong năm nay bởi lẽ khu vực này đang phải đối phó với thách thức đáng sợ hơn nhiều – đó là lạm phát tăng vọt. Lượng tiền mặt lưu thông tăng mạnh đang tạo thêm áp lực đối với các nền kinh tế châu Á, buộc nhà chức trách nơi đây phải lựa chọn một trong hai chính sách: phải nâng lãi suất hoặc phải để tiền tệ vốn đã mạnh so với USD tiếp tục tăng giá hơn nữa.

Năm 2011 cũng được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến sự đi lên của biểu đồ giá vàng. Mặt hàng kim loại quý này đã tăng giá 26% trong năm ngoái. Những quan ngại về khu vực đồng tiền chung châu Âu eurozone là nguyên nhân chính khiến giá vàng lên cơn sốt trong nửa đầu năm 2010. Còn trong 6 tháng cuối năm qua, động lực chủ yếu khiến vàng lên giá là đồng USD yếu đi. Khi đó, vàng có hơn mười lần phá vỡ mức giá kỷ lục của chính nó.

Vĩnh Thới
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *