Sau nhiều thập kỷ chỉ đóng vai trò quan sát viên và giữ vị thế yếu trên trường quốc tế, ngày nay, châu Phi tỏ ra tích cực hơn trong nỗ lực giải quyết các vấn đề vướng mắc toàn cầu. Đặc biệt, trên những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế thế giới, Lục địa Đen trở nên ngày càng năng động hơn.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) diễn ra ở thủ đô Campala của Uganda từ ngày 25 đến 27/07 vừa qua, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí quyết tâm nâng cao vai trò, vị trí và lợi ích của châu lục trên trường quốc tế. Chủ tịch AU, ông Jean Ping, nhấn mạnh rằng, châu Phi đang nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng và đang tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của cộng đồng quốc tế.

Lục địa Đen với tiềm năng tài nguyên khoáng sản dồi dào, lực lượng lao động rẻ, là thị trường khai thác và tiêu thụ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Những nền kinh tế hàng đầu thế giới đang dần có sự nhìn nhận và đánh giá đúng mức hơn về vị trí chiến lược quan trọng của châu Phi ngày nay, nhất là các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, hai đối tác thương mại hàng đầu của châu lục này.

Hàng loạt hội nghị quan trọng giữa châu Phi với các đối tác lớn của thế giới đã và sẽ được tổ chức trong năm nay; trong đó, Hội nghị cấp cao lần thứ ba giữa AU và Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra tại Libya vào cuối năm nay, Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia châu Phi và khối Ả-rập cũng sẽ được tiến hành ở Libya. Đây là những tín hiệu cho thấy vai trò quan trọng ngày càng tăng của Lục địa Đen trên bức tranh kinh tế, chính trị toàn cầu hiện nay.

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh AU ở Uganda vừa qua, Liên hiệp quốc đã cam kết hỗ trợ châu Phi về tăng cường an ninh lương thực, giải quyết vấn nạn đói nghèo và suy dinh dưỡng hiện vẫn đang nhức nhối. Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), bà Josette Sheeran, cho biết các chương trình bảo trợ xã hội bằng lương thực cho châu Phi đã mang lại rất nhiều lợi ích như bữa ăn học đường, lương thực cho giáo dục và lương thực tạo việc làm… Theo bà, những chương trình trợ giúp thiết thực này không chỉ chống nghèo đói và suy dinh dưỡng hiệu quả mà còn thúc đẩy phát triển nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cho nông dân và các cộng đồng dân cư khác được hưởng lợi từ dây chuyền cung cấp lương thực, đảm bảo lương thực đến được với những người cần nhất.

Ngoài ra, những nỗ lực trên cũng góp phần giúp mở rộng cơ sở hạ tầng cho cộng đồng như đường sá, thuỷ lợi, cơ sở chế biến lương thực, kho bãi… và giúp kết nối giữa nông dân châu Phi với thị trường.

LHQ cũng nhấn mạnh rằng, sáng kiến “Mua vì sự tiến bộ" (gọi tắt là P4P), đã giúp tăng cường sản xuất nông nghiệp và nâng thu nhập cho nông dân ở các nước đang phát triển. Theo đó, các cơ quan cứu trợ quốc tế mua lương thực thừa của nông dân địa phương để cung cấp cho những chương trình viện trợ của LHQ. Sáng kiến đang được áp dụng ở 16 nước châu Phi này đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ gia đình nông dân ở nông thôn trên khắp châu lục.

WFP đã mua 1 tỷ đôla lương thực hàng năm ở các nước châu Phi đang phát triển, nhằm tiến tới mục tiêu dùng chủ yếu lương thực sản xuất tại châu Phi cung cấp cho các hoạt động cứu trợ khẩn cấp cho chính các nước thuộc lục địa này. Ngoài ra, WFP cũng đặt hàng mua những sản phẩm lương thực chất lượng cao như thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất của nông dân châu Phi nhằm mở rộng cơ hội việc làm và giúp xoá dần tình trạng suy dinh dưỡng ở Lục địa Đen.

Vĩnh Thới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *