(THVL) Những lo ngại về tác động tiêu cực của kế hoạch mua 600 tỷ USD trái phiếu của FED
08/11/2010Vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố một kế hoạch nới lỏng định lượng mới. Theo đó, cơ quan này sẽ bơm 600 tỷ USD để mua trái phiếu kho bạc nhằm kích thích hồi phục kinh tế. Hãng tin Reuters của Anh cho biết, nhiều nhà quan sát bày tỏ quan điểm lo ngại rằng, kế hoạch của FED có thể đem đến những hậu quả xấu nhiều hơn là kết quả tốt.
Kế hoạch mua 600 tỷ USD trái phiếu của FED có thể đem đến những hậu quả xấu nhiều hơn là kết quả tốt. Ảnh minh họa |
Đây là chương trình nới lỏng định lượng thứ hai của FED sau chương trình đầu tiên được cơ quan này tung ra vào cuối năm 2008. Kế hoạch bơm 600 tỷ USD là một nỗ lực to lớn nữa với mục đích làm giảm chi phí vay vốn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ vốn vẫn đang chật vật đương đầu với những hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng vừa qua. Giữa lúc kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng với tốc độ 2% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp cao ở mức 9,6%, FED phải chịu áp lực hành động để thúc đẩy các hoạt động kinh tế diễn ra mạnh hơn.
Tuy nhiên, giới phê bình cả bên trong và bên ngoài FED thì lo ngại rằng, chính sách này sẽ dẫn tới tình trạng lạm phát cao. Bên cạnh đó, mức lãi suất thấp của nước Mỹ cộng thêm việc một lượng tiền lớn được bơm ra cũng có nguy cơ tạo ra bong bóng tài sản ở các quốc gia khác và gây bất ổn về tỷ giá.
Ngoài ra, viễn cảnh về mức lợi tức cực thấp ở thị trường Mỹ đã thúc đẩy giới đầu tư quay sang những thị trường mới nổi có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn. Do đó, tỷ giá tiền tệ của các quốc gia này sẽ mạnh hơn, kéo theo mối lo ngại về mất sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Với 14,8 triệu người Mỹ thất nghiệp, các nhà máy ở nước này đang hoạt động dưới công suất và tỷ lệ lạm phát thấp hơn ngưỡng mà FED mong muốn, một số quan chức của FED lo ngại những rủi ro về một vòng xoáy giảm phát, trong đó, người tiêu dùng lưỡng lự chi tiêu, khiến tăng trưởng càng thêm phần uể oải.
Quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần này của FED nhỉnh hơn mức 500 tỷ USD mà nhiều nhà phân tích dự báo ban đầu. Tuy nhiên, do thời hạn kéo dài hơn, nên khối lượng trái phiếu được mua vào mỗi tháng thấp hơn mức 100 tỷ USD như thị trường kỳ vọng trước đó.
Mặc dù nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình bơm tiền này trong việc kích thích kinh tế Mỹ, thị trường vẫn tin rằng, đây có thể là một động thái cho thấy, FED sẵn sàng hành động nhiều hơn nếu sự hồi phục còn diễn biến chậm chạp.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc mua trái phiếu lần này sẽ hại nhiều hơn lợi, vì nó có thể châm ngòi cho lạm phát bùng nổ một khi nền kinh tế lấy lại đà phục hồi mạnh. Thêm vào đó, chính sách nới lỏng định lượng của FED có thể tác động bất lợi tới tính thanh khoản của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn là thị trường nợ công lớn nhất thế giới, nơi mà giới đầu tư vẫn thường tìm kiếm sự an toàn mỗi khi có biến động trên thị trường tài chính.
Phúc Châu (tổng hợp)