Cuộc suy thoái toàn cầu trong những năm qua đã khiến Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới G – 20 trở thành diễn đàn chính cho sứ mệnh quản lý kinh tế toàn cầu. Giờ đây, sự hồi phục đang thách thức ý thức mới về sự nghiệp chung và đòi hỏi sự thống nhất giữa các nước giàu và các nước đang phát triển.
Hội nghị G – 20 năm 2010 diễn ra tại Toronto, Canada |
Tại Hội nghị ở Canada, các nhà lãnh đạo Nhóm G – 20 đã cố gắng duy trì sự thống nhất mà họ đã đưa hồi năm ngoái khi quyết định bơm hàng ngàn tỷ đôla vào nền kinh tế để ngăn chặn đà suy giảm. Đây chính là thách thức mà G – 20 đang phải đối mặt hiện nay giữa lúc kinh tế châu Á đang tăng trưởng mạnh, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng yếu hơn, còn kinh tế châu Âu thì rơi vào tình cảnh yếu ớt. Thêm vào đó, các nước công nghiệp đang lâm vào cảnh nợ nần và phải tìm lối ra. Hội nghị tại Toronto đã bộc lộ những vấn đề khó giải quyết hơn, khi nhiều nền kinh tế mới nổi trong G – 20 đang thoát khỏi cuộc suy thoái theo những tốc độ khác nhau và hướng tới những ưu tiên mới khác nhau.
Tại đây, các nhà lãnh đạo G – 20 đã cam kết giảm một nửa thâm hụt ngân sách trong vòng 3 năm tới, khi ưu tiên đang được chuyển từ việc bơm tiền kích thích kinh tế sang cắt giảm nợ công. Quan điểm khác nhau của các nước G – 20 là rõ ràng.
Trước Hội nghị Thượng đỉnh Toronto, Mỹ và Liên minh Châu Âu EU đã bị chỉ trích do các biện pháp khắc khổ của châu Âu có thể bóp nghẹt sự hồi phục, vốn đã yếu ớt tại châu lục này. Một số nền kinh tế mới nổi thậm chí còn thẳng thắn hơn về sự hoài nghi này. Theo Tổng thống Argentina Cristina Fernandez, Châu Âu đã “hoàn toàn sai,” trong khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nói rằng, nếu các nước Châu Âu thực hiện những kế hoạch thắt chặt chi tiêu ngân sách, thì sự hồi phục kinh tế toàn cầu có thể chậm lại.
Về phía Châu Âu, nhu cầu củng cố ngân sách là cấp thiết, sau khi Hy Lạp đã phải tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Mới đây, chính phủ các nước thuộc khu vực đồng tiền chung eurozone đã buộc phải tìm ra một kế hoạch tài trợ khẩn cấp cho các nước khác trong nhóm. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng nợ của các nền kinh tế phát triển trong G – 20 hiện nhiều gấp ba lần so với nợ của các nước mới nổi.
Theo các nhà phân tích, cơ chế G – 20 là cồng kềnh, nhưng G – 8 không còn được xem như đại diện của nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi cán cân quyền lực đang chuyển nhanh sang các thành viên như Trung Quốc hoặc Brazil. Cho dù việc để G – 20 nhất trí về chính sách là khó khăn, nhưng ít nhất đây cũng là một diễn đàn cho sự phối hợp toàn cầu.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người sẽ chủ tọa hội nghị G – 20 vào năm tới, nhấn mạnh, G – 20 hiện chiếm tới 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Mặc dù các cuộc thảo luận kéo dài, việc đưa một điều khoản nào đó vào tuyên bố chung là rất khó khăn, nhưng nghĩa vụ của các nền kinh tế là tham gia hội nghị thượng đỉnh G – 20 nhằm nỗ lực tìm ra giải pháp giúp thế giới thoát khỏi cuộc suy thoái hiện nay.
Thu Thủy