Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã bị tác động nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 8,3%, song theo dự đoán, tỷ lệ này có thể còn tăng cao hơn trong những tháng tới. Hiện nay, Thủ tướng Merkel đang lãnh đạo một liên minh hoàn toàn khác. Bà tin rằng, liên minh đó sẽ giúp bà thực hiện được các cuộc cải cách quan trọng có thể đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Trong bốn năm qua, khối Liên minh Dân chủ – Xã hội Cơ đốc giáo theo đường lối bảo thủ của bà đã bị kẹt trong một đại liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội trung tả. Tuy nhiên, hiện giờ bà Merkel nắm quyền lãnh đạo cùng với Đảng Dân chủ Tự do thân giới kinh doanh. Phát biểu trên Đài truyền hình vào hôm qua, bà Merkel nói :

– Mục tiêu chính của chúng tôi đã đạt được, đó là thay đổi chính phủ.

Mặc dù bà Merkel đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ bà ở mức 33% – mức thấp nhất của cánh hữu kể từ năm 1949.

Có thể các đối tác mới sẽ nhất trí về mọi vấn đề, song nội các mới theo đường lối trung hữu của bà Merkel sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn, ngoài những khó khăn về kinh tế của nước Đức. Giới phân tích cho rằng, bình minh của một nội các mới "không phải là một cuộc cách mạng".

Nước Đức bị đè nặng bởi các hệ thống y tế, giáo dục và an sinh xã hội, tất cả đều rất cần phải cải tổ. Dân số nước này đang già đi nhanh chóng và Thủ tướng Merkel phải đối mặt với một nhiệm vụ nặng nề là thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải. 20 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, tỷ lệ người nghèo và thất nghiệp tại Đông Đức trước đây còn cao hơn rất nhiều so với ở Tây Đức.

Ở nước ngoài, sứ mệnh của Đức tại Afghanistan hoàn toàn không được lòng dân và có thể trở thành vấn đề đối nội lớn gây đau đầu cho Thủ tướng trong những năm tới nếu cuộc nổi dậy ở miền Bắc Afghanistan – nơi có tới 4.200 binh lính Đức đang đồn trú – tiếp tục leo thang.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *