(THVL) Dịch cúm lợn có thể làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng kinh tế và bảo hộ mậu dịch
20/03/2008Hôm qua, bộ phận phân tích thông tin kinh tế Economist Intelligence Unit EIU của Tạp chí Nhà kinh tế ở Anh cho rằng dịch cúm lợn có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính mà thế giới đang phải đối mặt.
Chính phủ các nước phải nỗ lực để đối phó với việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, do đó khả năng giải quyết các tác động về kinh tế của dịch bệnh này có thể bị hạn chế.
EIU cho rằng vì nhiều người đã so sánh cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay với cuộc Đại suy thoái năm 1930, nên người ta cũng lo ngại khi liên tưởng bệnh cúm lợn hiện nay với các dịch bệnh trước đây như đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919. Thế giới ngày nay đã được trang bị tốt hơn, một phần nhờ các bài học rút ra từ các đợt bùng phát dịch SARS và cúm gia cầm thời gian qua, nhưng lo ngại lớn nhất của giới y khoa là việc xuất hiện các loại vi-rút cúm mới mà rất ít người có khả năng miễn dịch tự nhiên, và loại vi-rút đó có khả năng lây lan như vi-rút cúm thông thường.
Cả thế giới đang đối mặt với dịch cúm lợn nguy hiểm |
Các chuyên gia cũng lo ngại dường như dịch cúm lợn hiện nay chỉ tấn công thanh niên hoặc những người trưởng thành khỏe mạnh khác trong khi đây là lực lượng lao động chính của nền kinh tế. Dịch cúm mới cũng tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. Sản lượng sẽ giảm do công nhân bị cách ly, không được đến nhà máy. Nhiều hoạt động của lĩnh vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng do các cơ quan phải đóng cửa. Những hạn chế về đi lại sẽ ảnh hưởng đến thương mại và du lịch.
Hơn nữa, người ta còn lo ngại rằng chính phủ và ngân hàng trung ương các nước thiếu nguồn lực để đối phó với các tác động kinh tế tiêu cực của dịch bệnh vốn sẽ làm tăng áp lực đối với các hệ thống chi trả, vệ sinh, định cư và thương mại. Hệ thống tài chính thế giới vốn đã yếu hiện nay, sẽ khó mà đứng vững khi phải hứng chịu thêm tác động thứ hai này. Cũng có nhiều mối lo ngại rằng cúm lợn có thể làm gia tăng nguy cơ bảo hộ mậu dịch, gây phá vỡ thị trường nghiêm trọng, khi nhiều nước trên thế giới đã tuyên bố ngừng nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm từ Mê-hi-cô và Mỹ.
Theo báo cáo của văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thịt lớn nhất của Mỹ là Nga đã ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thịt, kể cả thịt bò và gia cầm, chưa qua xử lý nhiệt từ Mêhicô và ba bang của Mỹ là Texas, California và Kansas.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới là Trung Quốc cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu lợn sống và các sản phẩm thịt lợn từ Mêhicô và ba bang nêu trên của Mỹ. Các nước khác như Ucraina, Kazakhstan, Philippines, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất cũng cấm nhập khẩu tất cả các sản phẩm thịt từ một số bang của Mỹ, trong khi Serbie cấm nhập khẩu lợn sống và các sản phẩm thịt lợn từ khu vực Bắc Mỹ.
Mặc dù động thái trên của các nước không tuân thủ luật thương mại là chỉ cấm hoặc hạn chế nhập khẩu sản phẩm khi có các bằng chứng khoa học rằng sản phẩm có hại cho người sử dụng, tuy nhiên xu hướng bài các sản phẩm thịt đặc biệt là thịt lợn từ Mỹ và Mê-hi-cô, được dự báo sẽ lan rộng trên thế giới, ngay cả đối với những thị trường tiêu thụ nhỏ.
Quốc Trung