Chi phí vay mượn của Hy Lạp tăng lên mức kỷ lục đang đẩy nước này chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng nợ. Kế hoạch cứu trợ chung mà Liên minh châu Âu (EU) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dường như cũng không mang lại hiệu quả đáng kể để có thể giúp nước thành viên EU này tránh được tình trạng phá sản.
Lần đầu tiên kể từ khi Hy Lạp gia nhập khu vực đồng Eurozone năm 2001, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này vọt lên mức cao kỷ lục tới 7,5%, trong khi thị trường chứng khoán Athen ghi nhận mức sụt giảm nặng nề nhất trong nhiều tuần qua. Con số 7,7% này cao hơn gấp đôi lãi suất trái phiếu cùng kỳ hạn của Đức (3,09%).
Theo giới phân tích, mức lãi suất cao hơn mà các nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu sẽ tác động mạnh tới ngân sách Hy Lạp, buộc nước này phải thanh toán một khoản lãi khổng lồ, nguy cơ tiềm ẩn đẩy Athen tới bờ vực phá sản và giáng một đòn mạnh vào lòng tin đối với đồng tiền chung Euro vốn được coi là có giá trị trên thế giới hiện nay.
Tỷ giá đồng Euro so với đồng USD tiếp tục giảm, tại phiên giao dịch ngày 8/4, 1 Euro chỉ đổi được 1,3299 USD so với mức 1,3339 trước đó. Các nhà phân tích cho rằng, phản ứng của thị trường cho thấy sự thiếu lòng tin hoàn toàn vào khả năng gói cứu trợ chung EU/IMF có thể phát huy được hiệu quả và tình trạng phá sản của Hy Lạp chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Giorgos Papakonstantinou vẫn khẳng định chương trình "thắt lưng buộc bụng" của Hy Lạp sẽ đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nợ nần. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Triche cũng bày tỏ sự tin tưởng kế hoạch của Athen sẽ phát huy hiệu quả đồng thời nhận định, phá sản chưa thể xảy ra với Hy Lạp.
Ông Triche cho biết, gói cứu trợ chung của EU và IMF đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh EU tháng 3 vừa qua là một cam kết rất nghiêm túc và hoàn toàn có thể thực thi trong trường hợp Hy Lạp rơi vào tình trạng khốn đốn.
Theo những số liệu thống kê tài chính, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp trong quí đầu của năm 2010 đã giảm 40% xuống còn 4,3 tỷ Euro so với mức thâm hụt 7,1 tỷ Euro cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Papakonstantinou, mức giảm này diễn ra trước khi các biện pháp khắc khổ của chính phủ bắt đầu có hiệu lực ngày 3/3. Chính phủ Hy Lạp cũng cam kết giảm gần 1/3 mức thâm hụt tài chính công xuống còn 8,7% GDP trong năm nay.
Hồng Anh