Cuộc bầu cử hôm 03/10 ở Brazil là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút sự quan tâm theo dõi của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Mỹ La-tinh, bởi kết quả của cuộc bầu cử không chỉ ảnh hưởng tới tương lai của quốc gia Nam Mỹ này mà còn tác động tới tiến trình phát triển của khu vực.

Với sự ủng hộ của Tổng thống Lula da Silva, bà Rousseff có cơ hội trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh kinh tế Brazil đã nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đang phục hồi, tăng trưởng khá ấn tượng. Có nhiều khả năng năm 2010, tăng trưởng kinh tế của Brazil sẽ đạt mức từ 7,5 – 9%, trong khi chỉ số lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 6,7%, mức thấp nhất trong tám năm qua.

Dưới sự lãnh đạo của tổng thống đương nhiệm Lula da Silva, Brazil đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế mới nổi trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xếp nền kinh tế Brazil đứng hàng thứ tám trên thế giới trong năm nay, đồng thời nước này cũng đã và đang đảm nhiệm các vai trò quan trọng trong các tổ chức và trên diễn đàn quốc tế.

Cùng với những thành tựu kinh tế, Brazil còn giải quyết khá thành công các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là cuộc đấu tranh chống nghèo đói, giảm bớt hố sâu ngăn cách giàu nghèo ở quốc gia này. Những thành tựu trên đã khiến tín nhiệm của tổng thống đương nhiệm Lula da Silva tăng cao ở trong và ngoài nước. Khoảng 80% dân số ủng hộ ông. Chính nhờ thế, ông đã được Báo Le Monde của Pháp bình chọn là "Nhân vật của năm 2009".

Trong số các ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua tranh ghế Tổng thống lần này nổi lên ba nhân vật chính: bà Dilma Rousseff, 62 tuổi, ứng cử viên của Ðảng Lao động (PT) cầm quyền; ông José Serra, 68 tuổi, ứng viên của Ðảng Dân chủ xã hội Brazil (PSDB) đối lập và bà Marina Silva, đại diện cho Ðảng Xanh.

Bà Dilma Rousseff từng giữ chức vụ Chánh Văn phòng Tổng thống. Bà được đào tạo về kinh tế, từng tham gia hoạt động chính trị trong phong trào cánh tả khá sớm. Trong chương trình vận động tranh cử của mình, bà Rousseff cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định của Tổng thống đương nhiệm Lula da Silva, nỗ lực đấu tranh xóa đói, giảm nghèo và tiến hành các cuộc cải cách ngành thuế, giáo dục… nhằm từng bước nâng cao vị thế của Brazil trên trường quốc tế. Theo các nhà phân tích chính trị, với sự ủng hộ của Tổng thống Lula da Silva, ứng cử viên Rousseff có cơ hội thuận lợi trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil.

Ðối thủ chính của bà Rousseff là ông José Serra, một nhà chính trị có kinh nghiệm, từng là Thị trưởng thành phố Xao Pao-lô, Thống đốc bang Xao Pao-lô, một bang lớn và giàu nhất của Brazil. Khẩu hiệu trong chiến dịch vận động tranh cử của ông Serra là "Brazil có thể làm nhiều hơn nữa" trong đó, ông nhấn mạnh việc quản lý, điều hành đất nước tốt hơn và các mục tiêu đấu tranh chống tội phạm cũng như chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, những vấn đề mà chính phủ đương nhiệm chưa giải quyết tốt.

Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy, ứng cử viên của đảng cầm quyền Rousseff bỏ xa các đối thủ. Nữ chính trị gia cánh tả này nhận được sự ủng hộ của 46%, có thời điểm được 49% số cử tri ủng hộ. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với ứng cử viên cánh hữu José Serra đã tụt xuống còn 28% và bà Silva còn 16%.

Nếu vòng một cuộc bầu cử Tổng thống không có ứng cử viên nào đắc cử, thì cuộc bầu cử vòng hai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31/10.

Hồng Anh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *