Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập, các cuộc đàm phán về mở rộng quy mô tài trợ cho các nước đang phát triển “xanh hóa” nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu đã bắt đầu vào đêm qua, giờ Việt Nam. Hiện, các nhà đàm phán còn những bất đồng về quy mô hỗ trợ tài chính.
Ảnh minh họa
Tại hội nghị, đại diện nhóm đàm phán của các quốc gia châu Phi cho rằng cần phải ước tính số tiền hỗ trợ cần thiết “dựa trên nhu cầu” thực tế của các nước đang phát triển. Theo đó, ước tính đến năm 2030, con số này lên đến hơn 1.300 tỷ đô-la Mỹ mỗi năm trên toàn cầu.
Các nước phát triển tham gia đàm phán thì cho biết sẽ nỗ lực vào năm 2023 đạt mục tiêu tài trợ 100 tỷ đô-la/năm cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu này được đề ra từ năm 2009, ban đầu dự kiến đạt được vào năm 2020. Nhưng năm nay, số tiền tài trợ vẫn thiếu 17 tỷ đô-la.
Liên minh các quốc đảo nhỏ thì nhấn mạnh, các khoản tài chính cần được cung cấp theo hình thức viện trợ không hoàn lại và dễ tiếp cận.
Về phía các nước giàu, Đặc phái viên khí hậu của Mỹ, ông John Kerry cho rằng cần thay đổi phương thức huy động tài chính: “Không chính phủ nào trên thế giới có đủ tiền để làm tất cả những việc mà chúng ta phải làm để chống biến đổi khí hậu. Do vậy, tôi muốn công bố dự án hợp tác huy động vốn tư nhân tăng tốc chuyển đổi năng lượng ở các nước đang phát triển.”
Ông John Kerry đã công bố kế hoạch của chính phủ Mỹ về chương trình đền bù carbon. Theo đó, chính phủ Mỹ sẽ hợp tác với các quỹ tư nhân khuyến khích các doanh nghiệp mua tín chỉ carbon. Số tiền mua tín chỉ carbon sẽ được dùng để hỗ trợ các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng tái tạo./.
Tuấn An