Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm 05/10 đã công bố chủ nhân của giải Nobel Hóa học 2022. Trong số 3 nhà khoa học đoạt giải thưởng năm nay có nhà hóa học người Mỹ Barry Sharpless. Đây cũng là lần thứ 2 vị giáo sư 81 tuổi này nhận được giải thưởng Nobel cao quý. Những công trình nghiên cứu của Giáo sư Barry Sharpless đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Giáo sư Barry Sharpless

Giáo sư Barry Sharpless đã quyết định gắn bó với con đường nghiên cứu từ rất sớm. Năm 1968, ở tuổi 27, ông đã lấy bằng tiến sĩ hóa học của trường Đại học Stanford (Mỹ) và đảm nhận vị trí giảng dạy tại ngôi trường này.

Thế nhưng chỉ 2 năm sau, một tai nạn nghiêm trọng trong phòng thí nghiệm đã khiến ông bị mù mắt trái. Song, tai nạn không làm nhà khoa học này từ bỏ con đường nghiên cứu của mình.

“Tôi cho rằng cuộc đời mình luôn có nhiều điều may mắn. Tôi không giỏi giao tiếp nhưng tôi lại rất đam mê khoa học. Tôi luôn chạy vào phòng thí nghiệm và tự nhủ với bản thân rằng mình phải làm thí nghiệm đó ngay trong tối nay.”

Với công trình nghiên cứu về “các phản ứng oxy hóa xúc tác không đối xứng”, Giáo sư Barry Sharpless đã vinh dự được nhận Giải Nobel Hóa học năm 2001. Sau 21 năm, vị giáo sư lại tiếp tục nhận Giải Nobel Hóa học với những đóng góp lớn trong nghiên cứu phản ứng “hóa học click”. Cho đến thời điểm này, ông cũng là người duy nhất nhận đến 2 giải thưởng Nobel danh giá trong thế kỷ 21. Ngoài ra, Giáo sư Barry Sharpless còn là chủ nhân của hàng loạt giải thưởng, danh hiệu cao quý khác trong giới học thuật quốc tế.

Dù vậy, Giáo sư cho biết các giải thưởng chưa bao giờ là mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp nghiên cứu của ông.

“Các giải thưởng không làm tôi thay đổi. Chúng không phải là thứ thôi thúc tôi làm khoa học. Đối với tôi, điều quan trọng là có thể biến các ý tưởng trở thành điều gì đó ứng dụng được trong thực tế.”

Sau hàng chục năm nghiên cứu khoa học, những cống hiến của Giáo sư Barry Sharpless đã giúp thế giới đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong lĩnh vực hóa học. Những thành công của ông cũng là niềm khích lệ cho nhiều nhà khoa học trẻ tiếp tục tìm tòi, phát triển cái mới cho nhân loại./.

Đức Tài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *