Các sông băng ở dãy Himalaya, nguồn cung cấp nước quan trọng cho gần 2 tỷ người trên thế giới, đang tan chảy nhanh hơn bao giờ hết do biến đổi khí hậu, và có thể mất tới 80% thể tích so với hiện nay vào cuối thế kỷ này. Đây là kết quả báo cáo được Trung tâm Phát triển Vùng núi Quốc tế ICIMOD) có trụ sở tại Nepal công bố hôm nay.
Sông băng ở Himalaya có thể mất 80% thể tích vào năm 2100
Theo báo cáo của ICIMOD, từ năm 2011 đến năm 2020, các sông băng ở dãy Himalaya đã tan nhanh hơn đến 65% so với thập niên trước. Các nhà nghiên cứu cho biết băng tan là hiện tượng tất yếu khi Trái đất ấm lên, song điều đáng lo ngại là tốc độ băng tan đang nhanh hơn nhiều so với dự báo. Với ước tính hiện nay về lượng khí thải và mức tăng nhiệt độ toàn cầu, ICIMOD cho rằng các sông băng ở Nepal và Bhutan, phía Đông dãy Himalaya, có thể mất tới 80% thể tích vào năm 2100.
“Vào cuối thế kỷ này, tức là đến năm 2100, diện tích các sông băng sẽ thu hẹp hơn nhiều so với hiện nay. Diện tích thu hẹp bao nhiêu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lượng khí thải mà chúng ta tạo ra.”
Báo cáo của ICIMOD nhấn mạnh các sông băng ở dãy Himalaya là nguồn cung cấp nước cho gần 2 tỷ người ở 16 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan. Băng tan nhanh chóng sẽ gây ra lũ quét, đe dọa các vùng đất nông nghiệp ở hạ lưu và sau đó là hạn hán vì nguồn nước đã cạn kiệt.
Bảo Ngọc