Dịch vụ giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) hôm nay cho biết nhiệt độ trên các đại dương đã tăng cao nhất từ trước đến nay do sự ấm dần nhanh chóng của bầu khí quyển.
Copernicus nêu rõ nhiệt độ bình quân hằng ngày của nước bề mặt trên các đại dương trong tuần này tăng đến 20,96 độ C, phá vỡ kỷ lục từng được ghi nhận hồi năm 2016. Con số đó cũng cao hơn nhiều so với mức thường thấy vào thời điểm này mọi năm.
Nhiệt độ nước các đại dương tăng cao kỷ lục
Các đại dương của Trái đất giữ vai trò sống còn trong điều tiết khí hậu. Chúng làm dịu cái nóng, tạo ra một nửa lượng oxy và luân chuyển các kiểu thời tiết. Khi nước biển ấm lên, nó giảm sút khả năng hấp thu các-bon đi-ô-xit. Điều đó có nghĩa lượng khí thải nhà kính tồn tại trong khí quyển nhiều hơn, đẩy nhanh quá trình tan chảy của băng ở 2 cực, dẫn tới mực nước biển dâng cao.
Nước biển ấm dần đang tác động đến nhiều loài thủy sinh như cá voi chẳng hạn. Chúng có xu hướng tìm đến các vùng biển mát hơn và sự dịch chuyển đó làm thay đổi chuỗi thức ăn, dẫn tới sự giảm sút của nhiều loài thủy sản. Ngoài ra, các loài cá săn mồi, như cá mập, sẽ trở nên hung tợn hơn khi môi trường sống trở nên nóng bức. Các rạn san hô thì chứng kiến tình trạng bị tẩy trắng mạnh hơn.
Theo Copernicus, thông thường tháng Ba hằng năm mới là lúc nhiệt độ nước biển bình quân trên toàn cầu tăng cao nhất. Song, mức nhiệt kỷ lục 20,96 độ C lại được ghi nhận trong tháng Tám. Vì thế, các chuyên gia thuộc cơ quan này cảnh báo kỷ lục đó có nguy cơ tiếp tục bị phá vỡ vào tháng Ba năm tới, nhất là khi hiện tượng khí hậu El Niño đang hiện diện.
Phúc Châu