Thái Lan vừa tổ chức Lễ hội Loy Krathong, tức lễ hội thả hoa đăng xuống các dòng kênh, sông, hồ. Sự kiện truyền thống này nhằm bày tỏ lòng biết ơn thủy thần đã mang đến nguồn nước, đồng thời thể hiện sự hối hận khi làm ô nhiễm nước.
Lễ hội Loy Krathong được tổ chức thường niên vào ngày Rằm tháng Chạp, theo lịch Thái Lan (năm nay rơi vào ngày 27/11). Dịp này, người dân Thái Lan thả hoa đăng, chủ yếu được làm từ bẹ chuối, lá cây, rau củ. Họ còn cắm hoa, thắp nhang và nến trên hoa đăng để cầu phúc trước khi thả xuống nước. Khoảng 600.000 hoa đăng đã được thả xuống sông Chao Phraya ở thủ đô Bangkok trong đêm hội năm nay.
Lễ hội thả hoa đăng ở Thái Lan
Việc thả hoa đăng quá nhiều khiến không ít người lo ngại về vấn đề môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Cơ quan quản lý đô thị Bangkok đã triển khai sáng kiến sử dụng “hoa đăng kỹ thuật số”. Tại kênh One Ang, người tham gia lễ hội có thể tự vẽ “hoa đăng ảo” trên giấy hoặc các thiết bị di động, rồi cầu nguyện trước khi quét chúng qua hệ thống kỹ thuật số để tạo ra các hình chiếu hoa đăng trên mặt nước.
“Mọi người có thể cầu phúc cho gia đình trước khi thả “hoa đăng kỹ thuật số”. Vì vậy, lễ hội “thực hay ảo” đều giống nhau, vẫn giữ được nét truyền thống, đồng thời có thể giảm thiểu rác thải.”
Theo kết quả thống kê, hơn 3.700 hoa đăng ảo đã được chiếu trên kênh One Ang trong đêm qua. Cũng nhằm bảo vệ môi trường, các nhà sư tại một ngôi chùa thuộc quận Thon Buri, Bangkok thì thu gom các hoa đăng đã qua sử dụng, tái chế chúng làm thức ăn gia súc.
Tường Vân