Chính phủ Italia mới đây đã công bố dự luật cấm sản xuất, sử dụng thịt nhân tạo cùng nhiều loại thực phẩm tổng hợp khác. Quyết định này đã ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của đông đảo nông dân Italia, song lại vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động vì động vật. Những người chỉ trích dự luật nói trên cho rằng thịt được sản xuất trong phòng thí nghiệm có thể được xem như một giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của ngành nông nghiệp đến môi trường.
Dự luật vừa được Chính phủ Italia công bố_ nói không với thịt, cá và cả sữa tổng hợp được sản xuất trong phòng thí nghiệm.
“Theo quan điểm của chúng tôi, thịt nhân tạo không đảm bảo chất lượng, sức khỏe. Sự phổ biến của các sản phẩm này có thể đe dọa nền văn hóa, truyền thống và di sản ẩm thực của Italia.”
Trước đó, tại cuộc họp nội các, Bộ trưởng Y tế Italia Orazio Schillaci cho biết dự luật mới “dựa trên nguyên tắc phòng ngừa, do hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào về những tác hại tiềm ẩn liên quan việc tiêu thụ thực phẩm nhân tạo.”
Nếu lệnh cấm được Quốc hội Italia thông qua, các doanh nghiệp nước này sẽ không được phép sản xuất thịt trong các phòng thí nghiệm bằng phương pháp nuôi cấy tế bào động vật hoặc các mô có nguồn gốc từ động vật. Những trường hợp vi phạm sẽ bị phạt khoản tiền lên tới hơn 60.000 euro, tức khoảng 1 tỷ rưỡi đồng Việt Nam. Ngoài ra, những doanh nghiệp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động và bị tước quyền hưởng tài trợ công trong tối đa 3 năm.
“Chúng tôi rất vui mừng vì chính phủ đã đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu. Lệnh cấm sẽ bảo vệ ngành chăn nuôi Italia cũng như người tiêu dùng.”
Thực phẩm giả thịt từ lâu đã được sản xuất từ các nguồn thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan. Tổ chức Bảo vệ Động vật Quốc tế (OIPA) có trụ sở tại thành phố Milan (Italia) nhấn mạnh rằng thịt nhân tạo dù có nguồn gốc từ tế bào động vật, song việc sản xuất chúng không gây hại cho động vật. Ngoài ra, thịt nhân tạo cũng bền vững với môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thịt nhân tạo
Liên quan đến vấn đề trên, hồi tháng 11 năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã lần đầu tiên cấp phép cho một sản phẩm thịt gà được nuôi cấy từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm_ để bán cho người tiêu dùng. FDA cho biết đã “đánh giá cẩn thận” sự an toàn của sản phẩm thịt gà nhân tạo này.
Trước đó, hồi năm 2020, Singapore đã “bật đèn xanh” cho công ty /it jơt/ Eat Just của Mỹ bán thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, qua đó trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán sản phẩm được gọi là thịt mà không phải từ động vật bị giết mổ.
Còn tại châu Âu, cho đến nay Liên minh châu Âu vẫn chưa cấp phép cho bất kỳ loại thịt nhân tạo nào. Dẫu vậy, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu mới đây nhận định, ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ tế bào như thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm “có thể được coi là một giải pháp sáng tạo và đầy hứa hẹn_ vì sức khỏe và môi trường”.
Dương Tuyển