Một nhóm nhà nghiên cứu khoa học quốc tế do Trung Quốc dẫn đầu cho biết những đám cháy rừng dữ dội làm tăng hiện tượng mặt đất nóng lên sau đám cháy. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature của Anh ngày 25/9 _ đưa ra quan điểm mới về tác động của cháy rừng đối với hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện tượng Trái Đất ấm dần lên khiến cháy rừng có xu hướng xảy ra với tần suất cao hơn, quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn, nhưng tác động ngày càng lớn của các vụ cháy rừng đối với mặt đất chưa được đánh giá đầy đủ. Các nhà khoa học sử dụng kết quả quan sát vệ tinh cho thấy tại các khu rừng ôn đới phía Bắc của Bắc bán cầu, đám cháy lớn sẽ làm gia tăng hiện tượng mặt đất nóng lên vào mùa Hè trong nhiều thập niên sau đó.
Mặt đất nóng lên do cháy rừng nghiêm trọng ảnh hưởng đến khả năng tái sinh rừng sau đám cháy, đồng thời góp phần làm giảm diện tích của lớp băng vĩnh cửu và đẩy nhanh quá trình giải phóng các-bon hữu cơ từ lớp băng vĩnh cửu. Điều đó đồng nghĩa với việc các đám cháy rừng dữ dội đặt ra nguy cơ làm trầm trọng thêm hiện tượng Trái Đất ấm lên, từ đó sẽ dẫn đến những đám cháy cực đoan hơn, tạo ra một vòng lẩn quẩn.

Cháy rừng dữ dội làm gia tăng hiện tượng trái đất ấm lên

Nghiên cứu cũng cho thấy hiện tượng mặt đất nóng lên (sau cháy rừng) sẽ giảm khi số lượng cây lá rộng tăng. Do đó, việc tăng tỷ lệ cây lá rộng một cách hợp lý có thể giảm rủi ro khí hậu do cháy rừng gây ra. Theo cuộc nghiên cứu, kết quả trên chỉ ra rằng cần có hiểu biết khoa học về tác động của những đám cháy rừng dữ dội đối với hệ sinh thái và khí hậu, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro do cháy rừng gây ra đối với khí hậu. Các tác giả tin rằng nhờ đó, chúng ta có thể cải thiện khả năng dự đoán biến đổi khí hậu trong tương lai và đối phó với các đám cháy rừng cực đoan.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *