Ngày 26/12/2024 , các buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân của cơn địa chấn Sumatra-Andaman, hay còn gọi là thảm họa Động đất và Sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã diễn ra tại nhiều nước châu Á. Thảm họa kinh hoàng này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 226.000 người dân và du khách tại 14 quốc gia và vùng lãnh thổ.
20 năm đã trôi qua nhưng thảm họa Động đất và Sóng thần Ấn Độ Dương vẫn để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình các nạn nhân, đồng thời cho thấy sự cần thiết của những biện pháp hiệu quả hơn trong ứng phó và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Trên khắp Indonesia, các buổi lễ cầu nguyện tưởng niệm các nạn nhân của trận Động đất và Sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã được tổ chức tại các nhà thờ Hồi giáo. Với hơn 170.000 người thiệt mạng và nhiều người mất tích, Indonesia là nơi hứng chịu sự mất mát về người lớn nhất trong thảm họa thiên nhiên này.
Tại Sri Lanka, các hoạt động cầu nguyện và tưởng niệm hơn 35.000 nạn nhân nước này thiệt mạng trong thảm họa cách đây 20 năm đã được tổ chức theo các nghi thức tôn giáo và truyền thống. Người dân cũng đến đặt hoa, cầu nguyện tại làng Peraliya, nơi có đoàn xe lửa chở hơn 1.000 hành khách bị sóng thần cuốn trôi.
Châu Á tưởng niệm các nạn nhân thảm họa sóng thần năm 2004
Tương tự, tại Ấn Độ, người dân các khu vực ven biển đã tiến hành nghi thức thả hoa cầu nguyện cho hơn 10.700 người thiệt mạng.
Còn tại Thái Lan, nhiều người dân và du khách đã đến khu vực tưởng niệm đặc biệt dành cho các nạn nhân ở làng chài Ban Nam Khem, tỉnh Phang Nga. Đến nay, vẫn còn nhiều nạn nhân trong trận Động đất và Sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 bị mất tích, trong khi có khoảng 400 nạn nhân vẫn chưa xác định được danh tính.
Với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, các nước bị ảnh hưởng đã hoàn tất việc tái thiết và phục hồi. Công tác diễn tập ứng phó với động đất, sóng thần đã được chú trọng. Trong đó, Indonesia đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong công nghệ cảnh báo sớm sóng thần.
Bà Qurrata Ayuni – Người dân Indonesia chia sẻ:
“Ngày nay, mọi thứ đã phục hồi. Tôi hy vọng thế hệ trẻ sẽ không bao giờ quên những sự tàn phá mà sóng thần đã gây ra và nỗ lực để thảm họa ấy không bao giờ tái diễn.”
Thuận Hải