Mỗi khi tiết trời trở lạnh, ngư dân ở một ngôi làng của nước Bỉ lại ra bờ biển bắt tôm. Tuy nhiên, cách đánh bắt của họ rất đặc biệt khi cưỡi ngựa kéo lưới bắt tôm. Ngay sau đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về truyền thống độc đáo này.
Bất chấp thời tiết lạnh giá, ngư dân làng Oostduinkerke, thuộc tỉnh Tây Flanders, nước Bỉ, vẫn cưỡi ngựa xuống biển để kéo lưới bắt tôm.
“Cảm giác thật tuyệt vời khi cưỡi ngựa kéo lưới bắt tôm ở bãi biển. Những khi đó tôi có cảm giác thế giới này là của chính mình. Với số tôm bắt được, chúng tôi dùng làm thức ăn cho gia đình, tặng bạn bè, người thân. Số tôm dôi dư ra, chúng tôi bán lấy tiền để trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình và chăm sóc những con ngựa.”
Truyền thống cưỡi ngựa kéo lưới bắt tôm được cho là đã có từ thế kỷ 13, 14. Trong quá trình đánh bắt, ngư dân điều khiển con ngựa kéo tấm lưới rất nặng dưới bờ biển nông. Mỗi buổi kéo lưới bắt tôm thường kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ khi thủy triều xuống thấp.
Cho đến thế kỷ 15, truyền thống cưỡi ngựa kéo lưới bắt tôm vẫn còn phổ biến ở những bờ biển của Pháp, Hà Lan, Đan Mạch,  Anh, Bỉ. Đây từng là nghề mang đến nguồn thu nhập cho các ngư dân. Tuy nhiên, ngày nay chỉ làng Oostduinkerke ở Bỉ là vẫn duy trì nghề này với chỉ hơn 10 người theo nghề. Vùng biển nông ở đây có những điều kiện phù hợp với nghề này như: môi trường sống thuận lợi cho loài tôm xám, bãi biển bằng phẳng.

 


Tuy nhiên, thời gian gần đây, dân làng Oostduinkerke cảm thấy rất lo lắng khi sản lượng tôm mà họ đánh bắt được ngày càng ít đi. Không chỉ tôm mà nhiều loài hải sản khác như cá, mực, bạch tuộc cũng không có nhiều. Điều đó là do sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển trở nên ấm hơn, nguồn thức ăn cũng giảm đi.
“Thời điểm thuận lợi nhất để đánh bắt tôm là từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm khi tiết trời dần lạnh giá. Ngày nay, chúng tôi không bắt được nhiều tôm như hồi trước bởi nước biển ấm hơn và có nhiều loài động vật khác xuất hiện ở đây hơn.”
Trong nỗ lực duy trì truyền thống cưỡi ngựa kéo lưới bắt tôm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã đưa nghề này vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại từ tháng 12/2013. Hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 10, giới chức địa phương thường tổ chức rộng rãi các hoạt động đánh bắt bằng phương pháp này nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước tham gia. Qua đó họ có dịp đến thăm nhà của các ngư dân cũng như quan sát quá trình người dân địa phương đánh bắt. Ngư dân nơi đây luôn sẵn lòng hướng dẫn mọi người về kỹ thuật đánh bắt truyền thống này.

Thanh Trúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *