(THVL) Nghề nuôi đà điểu sa mạc Australia ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ
04/11/2010
Đà điểu Châu Phi. Ảnh minh họa (Internet) |
Nghề nuôi đà điểu sa mạc Australia ở bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ đang trên đà phát triển khi nhiều nông dân thu được các khoản lợi nhuận từ việc nuôi loài chim không thể bay này.
1 con đà điểu sa mạc Australia trưởng thành hiện có giá khoảng 5.000 Rupee, tương đương 112 USD. Đà điểu đẻ từ 30 đến 40 trứng trong năm đầu tiên, và đến năm thứ 2, số trứng sẽ tăng lên khoảng 60. Đà điểu sa mạc Australia là loài mắn đẻ. Khả năng sinh sản của chúng có thể lên đến 35 năm và cho trứng liên tục.
Chủ 1 trại nuôi đà điểu ở quận Sant Kabir Nagar, cô Susheela Devi cho biết: “Tôi có 5 cặp đà điểu sa mạc Australia. Chúng mang đến cho tôi khoản tiền lời từ 25.000 đến 30.000 Rupee, (tức 560 đến 675 USD) mỗi tháng. Và khoản lợi nhuận này sẽ tiếp tục tăng lên trong vòng 30 năm.”
Bà Rupa Kumari, chủ một trại nuôi đà điểu sa mạc Australia khác cho biết, trung bình giá mỗi quả trứng đà điểu này khoảng 2.000 Rupee, tương đương 45 USD. Trong vòng 18 tháng, kể từ khi trứng nở, loài chim không thể bay này có thể tăng trọng đến 35kg và cao hơn 2m.
Bà cho biết thêm: “Mỡ đà điểu được dùng làm dầu trị các vết đau, viêm dạ dày và chàm bội nhiễm. Thịt đà điểu được bán với mức giá khá cao, còn xương đà điểu thì có thể được dùng cho nhiều mục đích khác.”
Đà điểu sa mạc Australia miễn nhiễm với nhiều căn bệnh trong đó có cúm gia cầm. Thịt của chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao và dầu làm từ mỡ có giá trị y học. Lông đà điểu được dùng làm túi xách, quần áo và các đồ tạo tác khác.
Anh Dũng