Thay vì trao tặng gấu trúc, 1 báu vật quốc gia, cho các nước, lần này Trung Quốc mời mọi người trên khắp thế giới tham gia cuộc thi trở thành Đại sứ gấu trúc với nhiệm vụ chăm sóc những con gấu trúc tại Trung tâm nghiên cứu gấu trúc Thành Đô nổi tiếng thế giới ở tỉnh Tứ Xuyên.
Gấu trúc. Ảnh: Internet
Cuộc thi mang tên “Dự án gấu trúc: Tạo sự khác biệt trong bảo tồn gấu trúc” được Trung tâm nghiên cứu gấu trúc Thành Đô và Quỹ bảo tồn Thiên nhiên hoang dã WWF cùng đứng ra tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của mọi người đối với công tác bảo tồn loài gấu trúc lớn.
Các nhà tổ chức cho biết có hơn 61.600 người từ hơn 52 quốc gia đã nộp đơn tham gia cuộc thi chọn ra 6 Đại sứ gấu trúc kể từ khi cuộc thi bắt đầu mở ra cách đây vài tuần. Ông Châu Xuân Toàn, Giám đốc Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Hoang dã WWF tại Bắc Kinh cho biết tuy đây có thể là 1 công việc mơ ước của những người yêu mến gấu trúc nhưng không phải lúc nào họ cũng được vuốt ve, âu yếm gấu trúc con.
Hôm 13 tháng 9, 12 người vào vòng chung kết đã được Ban giám khảo tại Trung Quốc bầu chọn và đánh giá công khai trên mạng internet. Mỗi người vào vòng chung kết thu lại 1 thông điệp qua băng video, thể hiện bất kỳ điều gì từ nhảy múa trong trang phục gấu trúc đến ca hát với đàn ghita, nhưng tất cả đều phải đề cập đến loài gấu trúc. 12 người vào vòng chung kết sẽ trải qua 1 tuần ở thành phố Thành Đô từ ngày 23 tháng 9 để học cách chăm sóc gấu trúc con, thăm Trung tâm nghiên cứu thả gấu trúc đầu tiên trên thế giới và lần theo dấu vết của gấu trúc trong môi trường hoang dã. 6 người giành chiến thắng cuối cùng sẽ dành trọn 1 tháng để học hỏi nhiều hơn về công tác bảo tồn gấu trúc và chứng minh kinh nghiệm của mình qua tài liệu.
Ông Châu cho biết mục đích của dự án này là nâng cao nhận thức của mọi người về sự tồn tại của gấu trúc, và các Đại sứ gấu trúc được mong đợi sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động bảo tồn loài vật này và các loài vật hoang dã khác.
Gấu trúc là 1 trong những loài vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Hiện chỉ khoảng 1.600 con còn sống trong môi trường hoang dã, hầu hết ở tỉnh Tứ Xuyên, và khoảng 200 con đang sống trong điều kiện nuôi nhốt, trong đó có 88 con sống tại Trung tâm nghiên cứu gấu trúc Thành Đô.
Thu Thủy