Tê giác. Ảnh: Internet

Cơ quan động vật hoang dã Kenya KWS đang tiến hành 1 nghiên cứu về số lượng và di chuyển tê giác tại Công viên quốc gia Hồ Nakuru ở thung lũng Rift của Kenya do số lượng loài vật này gia tăng nhanh chóng.

Công viên quốc gia Hồ Nakuru đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực khôi phục số lượng loài tê giác đen có nguy cơ bị tuyệt chủng của Kenya. Công tác nghiên cứu và di chuyển tê giác được thực hiện nhằm giúp gia tăng số lượng tê giác trong khu vực cũng như tăng cường giám sát loài vật đang gặp nguy hiểm này.

Ông Ben Okita, Điều phối viên chương trình bảo tồn tê giác quốc gia, cho biết Cơ quan động vật hoang dã Kenya dự định bắt 10 con tê giác đen để đánh dấu, và sẽ di chuyển 10 con tê giác khác đến Công viên quốc gia Tsavo ở Đông Nam nước này nằm gần ngọn núi cao nhất châu Phi Kilimanjaro.

Tê giác đen đã được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa vào danh sách các loài vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Số lượng tê giác đen ở Kenya bị sụt giảm do nạn săn trộm vào những năm 1970. Nhưng tại 1 số nơi, chẳng hạn như Công viên quốc gia Hồ Nakuru, số lượng loài vật này đang dần hồi phục nhờ các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt. Mặc dù Kenya đã trải qua trận hạn hán nghiêm trọng vào năm 2009, nhưng số lượng tê giác vẫn gia tăng đều đặn. Hiện Kenya có khoảng 630 con tê giác đen và 350 con tê giác trắng.

Mục tiêu của KWS là đến năm 2035 số lượng tê giác đen sẽ tăng lên 2.000 con thông qua việc mở rộng các khu bảo tồn tê giác hiện có và thiết lập các khu vực bảo vệ mới nhằm cung cấp nơi sinh sống cho số lượng tê giác tăng lên trong tương lai.

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *