Mời quý khán giả cùng gặp gỡ một nhà thiết kế nội thất và một kỹ sư cùng là người Pháp đang thử nghiệm sống trong không gian được mô tả là “căn hộ tương lai”. Nơi đây không có sự hiện diện của robot cũng như trí tuệ nhân tạo, mà thay vào đó là các thiết bị “công nghệ thấp” hướng tới lối sống bền vững.
“Chào mừng mọi người đến với căn hộ của tương lai. Chúng tôi gọi nó là khu sinh quyển giữa lòng đô thị.”
Kỹ sư Corentin de Chatelperron cùng nhà thiết kế nội thất người Pháp Caroline Pultz đã chuyển đến “khu sinh quyển đô thị” này vào mùa Hè năm nay, và sẽ sống tại đây đến đầu tháng 11 tới. Nằm ở ngoại ô thủ đô Paris, căn hộ rộng 26 mét vuông này được trang bị nhiều tính năng với thiết kế đơn giản, chi phí thấp, dễ tiếp cận và sửa chữa (nếu có hư hỏng).
“Trong mười năm qua, chúng tôi đã tìm ra rất nhiều cải tiến giúp giải quyết các vấn đề về nguồn nước, năng lượng, tái chế chất thải,… Đây đều là những hệ thống rất tiết kiệm về mặt tiêu thụ năng lượng, tài nguyên. Và chúng tôi quyết định kết hợp chúng lại với nhau, qua đó suy ngẫm lại về lối sống của bản thân.”
Ví dụ như, thay vì bếp gas, anh Corentin de Chatelperron và chị Caroline Pultz nấu ăn bằng bếp điện sử dụng năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, họ đã trồng một khu vườn thủy canh nho nhỏ trong nhà.
“Chúng tôi có một bể thủy canh với 124 cây trồng. Hệ thống canh tác này giúp tiết kiệm nước gấp 10 lần so với phương pháp truyền thống. Đối với một căn hộ ở thành thị, việc lắp đặt một hệ thống như vậy cũng sẽ dễ dàng hơn.”
Cặp đôi theo đuổi lối sống thân thiện với môi trường này còn tận dụng không gian xung quanh phòng tắm để trồng nấm bào ngư. Loài nấm này phát triển tốt trong môi trường ẩm ướt. Họ thu hoạch khoảng 1,5 kg nấm mỗi tuần.
Còn chia sẻ về việc xử lý chất thải sinh hoạt, chị Caroline Pultz cho biết:
“Đây là ấu trùng ruồi lính đen. Chúng biến rác thải hữu cơ thành phân bón giàu dinh dưỡng cho cây. Đây cũng là loại protein động vật tốt cho gia súc, gà và cá.”
Thí nghiệm này tiếp nối một thí nghiệm thành công diễn ra ở một sa mạc thuộc Mexico vào năm 2023, và lần này nhằm trải nghiệm cuộc sống công nghệ thấp trong đô thị lớn. Hiện, anh Corentin de Chatelperron và chị Caroline Pultz đang hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu cùng nhiều trường kỹ thuật. Họ đang được các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng sức khỏe, khả năng tài chính và dấu chân sinh thái (hay nói một cách đơn giản là lượng tài nguyên thiên nhiên mà họ sử dụng để duy trì cuộc sống). Cặp đôi người Pháp cũng kêu gọi hơn 1.000 gia đình thực hiện thử nghiệm tương tự.
Thảo Phương