Sản xuất lụa thủ công là nghề truyền thống của người dân ở thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, trận động đất khủng khiếp xảy ra ở khu vực phía Đông Nam nước này hồi tháng 02 vừa qua đã khiến việc sản xuất kinh doanh lụa bị gián đoạn. Giờ đây, sau nhiều tháng khắc phục hậu quả của trận động đất, người dân ở Antakya đang nỗ lực trở lại với nghề.
Nghệ nhân dệt lụa Hatay truyền thống Emel Duman đang nâng niu những chiếc kén vàng mà bà vừa thu hoạch được. Sau trận động đất hồi tháng 02 vừa qua, cả gia đình bà đã chuyển đến sống tạm trong một xưởng sản xuất tơ lụa. Cũng như nhiều nạn nhân khác, bà Emel Duman đã mất gần như tất cả tài sản. Thứ duy nhất bà còn lại chính là tay nghề ươm tơ dệt lụa tinh xảo.


“Ngoại trừ xưởng dệt thì mọi thứ đều bị phá hủy. Thật khó để quay lại sản xuất. Nhưng chúng tôi đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể để trở lại với nghề.”
Những chiếc kén này là tâm huyết cả đời của bà Emel Duman. Vợ chồng bà đã cất công tìm kiếm một loài tằm nội địa có thể cho ra những sợi tơ vàng óng dùng làm nguyên liệu sản xuất lụa ở Hatay. Loài tằm này gần như biến mất do sự suy giảm đa dạng sinh học.
Trên vùng đất khô cằn và nhiều đá sỏi, vợ chồng họ đã trồng lại những bụi dâu tằm. Họ dùng xe tải chở nước đến tận vườn dâu tằm. Hiện tại, 15.000 bụi dâu tằm đang là nơi nuôi dưỡng hàng ngàn con tằm trắng.
“Nếu lắng nghe kỹ, bạn có thể nghe tiếng những con tằm đang ăn lá dâu tươi. Chúng tôi gọi đây là bản nhạc giao hưởng hay nhất thế giới.”
Quy trình sản xuất lụa công nghiệp phải luộc kén, khiến rất nhiều trứng tằm và tằm con chết. Trong khi đó, tại Antakya, bà Emel Duman để thiên nhiên làm công việc của mình. Trứng tằm sẽ nở ra sâu bướm, đến khi trưởng thành chúng sẽ phá kén bay đi. Khi đó bà mới thu lấy kén để kéo tơ dệt lụa. Do được sản xuất theo cách này nên lụa Hatay còn được gọi là “lụa hòa bình” hay lụa “không đau”.


Mặc dù Hatay từng rất nổi tiếng về các sản phẩm tơ lụa, nhưng hoạt động sản xuất ở đây đã suy giảm dần sau khi Đế chế Ottoman kết thúc vào đầu thế kỷ 20. Những kỹ năng sản xuất lụa truyền thống cũng dần bị mai một. Tuy nhiên, vượt qua muôn vàn khó khăn, những nghệ nhân như bà Emel Duman đang nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống này.
Hiện nay, ngoài những khoản viện trợ đến từ các tổ chức quốc tế và các nhà hảo tâm, thì nhiều đơn đặt hàng cũng đã được gửi đến Hatay như một cách để ủng hộ người dân và vực dậy nghề sản xuất lụa truyền thống của địa phương này.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *