Một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc mới đây đã hợp tác, phát triển thành công thiết bị khử mặn để biến nước biển thành nước ngọt. Đáng chú ý là phát minh này vận hành bằng năng lượng mặt trời và có tiềm năng cung cấp nguồn nước sạch ổn định, giá rẻ cho cộng đồng dân cư ở khu vực thường xảy ra hạn hán.
Thiết bị khử mặn nước biển này là phát minh của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học MIT (Mỹ) và Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Nó có kích cỡ chỉ bằng một chiếc va-li và mỗi giờ đồng hồ có thể cho ra 4 đến 6 lít nước ngọt. Theo nhóm nghiên cứu, thiết bị này có tuổi thọ lên đến 10 năm và hoạt động xuyên suốt trong một năm mới cần phải bảo trì.
Thiết bị khử mặn nước biển này hoạt động bằng năng lượng mặt trời và rất hữu ích trong việc cung cấp nước ngọt cho các cộng đồng ven biển, những nơi thường xảy ra hạn hán hay các hòn đảo xa xôi chưa được kết nối với lưới điện. Theo các chuyên gia, nước bao phủ khoảng 70% diện tích Trái đất, nhưng nước ngọt lại rất khan hiếm. Với sự tiến bộ của công nghệ, những thiết bị khử mặn nước biển có thể trở thành một giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề khan hiếm nước ngọt trên thế giới.
Dương Tuyển