Trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon, một công ty ở tỉnh Aichi, Nhật Bản mới đây đã tìm ra cách tận dụng vỏ trứng để làm nguyên liệu sản xuất đồ thủy tinh. Theo họ, nguyên liệu mới này vừa rẻ, vừa thân thiện hơn với môi trường.
Đồ thủy tinh thường được làm từ hỗn hợp gồm các chất hữu cơ như cát, sô-đa hay natri cacbonat Na2CO3, đá vôi. Nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải CO2 đến năm 2030, hãng sản xuất đồ thủy tinh Ishizuka ở tỉnh Aichi đã thử nghiệm nhiều loại nguyên liệu khác nhau để thay thế đá vôi.
Ban đầu, họ sử dụng vỏ sò để sản xuất thủy tinh. Song vỏ sò thường chứa nhiều tạp chất, lại phải vận chuyển đường xa, vừa tốn kém, các chuyên gia tại Ishizuka đã phát hiện vỏ trứng gia cầm thích hợp để thay thế đá vôi bởi ít tạp chất, cho phép thu gom dễ dàng và có giá rất rẻ. Công ty Ishizuka đã hợp tác với một công ty thực phẩm ở thành phố Komaki, nơi thải ra 10 tấn vỏ trứng mỗi ngày.
Việc sử dụng vỏ trứng thay thế đá vôi có thể giúp công ty Ishizuka giảm đến 90% lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất đồ thủy tinh. Ngoài ra, nhờ giá vỏ trứng rất rẻ nên công ty đạt lợi nhuận cao hơn.
Tường Vân