Khi nhắc đến bà Catia Lattouf, nhiều người dân ở thủ đô Mexico City của Mexico đều nhớ ngay đến người phụ nữ tốt bụng, hết lòng cứu giúp, bảo vệ những con chim ruồi. Gần đây, bà còn dành hết không gian trong căn hộ của mình để chăm sóc, điều trị cho những cá thể thuộc loài chim nhỏ nhất thế giới này.
Tọa lạc tại khu phố Polanco ở thủ đô Mexico City, phòng khám bệnh đặc biệt này chuyên chăm sóc những con chim ruồi bị bệnh, bị thương hoặc lạc mẹ. Hiện có khoảng 60 cá thể chim ruồi đang được điều trị nội trú tại đây.


Bà Catia Lattouf là một nhà nghiên cứu văn học Pháp. Bà đã mở phòng khám này vào năm 2012, một năm sau khi bà thoát khỏi căn bệnh ung thư ruột kết. Mọi chuyện bắt đầu từ lòng trắc ẩn của bà dành cho một con chim ruồi nhỏ bị tổn thương ở mắt.
“Chúng tôi phải loại bỏ một mắt của nó. Dù chỉ còn một mắt, nhưng nó vẫn khỏe. Tôi cho nó trú trong chiếc hộp đựng kính, vì thế tôi gọi nó là Gucci, theo tên của nhãn hàng này.”
Kể từ đó, Gucci luôn bầu bạn với bà Catia Lattouf. Thậm chí nó còn đậu trên màn hình máy tính mỗi khi bà làm việc. Bà Catia Lattouf cũng cảm thấy phấn chấn tinh thần khi ở cạnh bạn chim nhỏ bé này. Những năm gần đây, bạn bè và người quen của bà tiếp tục mang đến phòng khám nhiều con chim ruồi khác. Vì vậy, bà bắt đầu tìm hiểu các phương pháp chăm sóc, điều trị để kịp thời cứu giúp chúng. Với trọng lượng trung bình chỉ chừng 5-6 gam, và dài khoảng 10 xăng-ti-mét, loài chim sống chủ yếu ở châu Mỹ này rất dễ bị tổn thương.
“Hầu hết “bệnh nhân” của tôi là những con chim non, chúng bị thương chủ yếu do bị grackes, loài chim có phần giống đại bàng, tấn công.”
Ngoài ra, một số con chim ruồi cũng bị thương do va vào những vật xung quanh, rơi khỏi tổ hoặc bị nhiễm trùng sau khi uống phải nguồn nước bị ô nhiễm tại địa phương. Trong vài tháng trở lại đây, công việc của bà Catia Lattouf càng trở nên bận rộn hơn sau khi đoạn video về phòng khám dành cho chim ruồi của bà được chia sẻ rộng rãi qua mạng xã hội.


“Nhiều người gửi tin nhắn qua tài khoản mạng xã hội của tôi rồi đưa những con chim cần điều trị tới đây. Hiện tôi đang chăm sóc khoảng 60 con chim ruồi.”
Hầu hết “bệnh nhân” đều được lưu lại phòng ngủ của bà Catia Lattouf cho đến khi hồi phục sức khỏe. Sau đó, chúng được chuyển sang một căn phòng khác trước khi được thả về môi trường tự nhiên ở phía Nam của thành phố.
Với sự nỗ lực bảo tồn chim ruồi, bà Catia Lattouf đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều người trên khắp Mexico và các nước khác ở khu vực Mỹ La-tinh về tình yêu thương các loài vật. Ngoài ra, phòng khám của bà cũng hỗ trợ rất nhiều cho những tổ chức nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước.

Tường Vân    

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *