Vừa qua, công ty công nghệ không gian D-Orbit của Italia đã giành được hợp đồng trị giá 119,6 triệu euro từ Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) để phát triển tàu vũ trụ giúp giải quyết vấn đề rác thải vũ trụ gia tăng.
Theo đó, D-Orbit sẽ phát triển tàu vũ trụ có khả tiếp cận, kết nối và điều chỉnh vị trí của các thiết vị vũ trụ khác ở ngoài không gian, chẳng hạn như vệ tinh cũ. Tàu vũ trụ của D-Orbit có thể giúp sửa chữa, kéo dài thời gian hoạt động của vệ tinh cũ. Khi vệ tinh cũ hết vòng đời, trở thành rác thải vũ trụ, tàu của D-Orbit sẽ đưa chúng đến quỹ đạo an toàn, không gây ảnh hưởng đến các thiết bị vũ trụ còn hoạt động. Ngoài ra vệ tinh cũ cũng có thể được điều hướng để rơi xuống bầu khí quyển Trất Đất an toàn và cháy hoàn toàn trong quá trình rơi.
“Với kiểu thiết kế mới, trong tương lai, tàu còn có thể đưa rác thải vũ trụ đến một trạm tái chế ở ngoài không gian, để tránh lãng phí vật liệu.”
Hiện nay, các vệ tinh không còn hoạt động vẫn ở trên quỹ đạo quay quanh Trái Đất, là một phần trong lượng rác thải vũ trụ ước tính lên tới 7.000 tấn xung quanh hành tinh xanh của chúng ta, gây ra mối nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu vũ trụ khác.
Tuấn An