Tương tự nhiều nghề truyền thống khác, nghề làm tranh nỉ thủ công ở Bosnia và Herzegovina cũng đang dần mai một theo thời gian trước sự lấn át của kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Dù thực tế là vậy, song một nghệ nhân tâm huyết với nghề vẫn tin rằng nghề làm tranh nỉ truyền thống của đất nước vùng Balkan này sẽ không bị thất truyền khi nỗ lực truyền thụ lại kỹ thuật làm tranh cho thế hệ trẻ.
Bà Aida Pasalic là một trong những nghệ nhân còn gắn bó với nghề làm tranh nỉ tại thành phố Zenica ở phía Bắc thủ đô Sarajevo của Bosnia và Herzegovina. Hằng ngày, nghệ nhân Aida Pasalic miệt mài với công việc tại xưởng tranh của gia đình. Đây là công việc hoàn toàn thủ công và khá công phu. Để có được một bức tranh nỉ hoàn thiện như thế, bà phải xé tơi vải nỉ thành những sợi len có màu sắc khác nhau và xếp lên khung tranh nhằm tạo ra một bức tranh nghệ thuật nhiều màu sắc.
Xuất thân là một kỹ sư cơ khí, song bà Aida Pasalic lại chọn nghề làm tranh nỉ để mưu sinh và thỏa sức sáng tạo. Nghệ nhân thủ công này coi những bức tranh nỉ về phong cảnh và hoa lá do chính mình tạo ra như là cách để tôn vinh và giữ gìn làng nghề thủ công truyền thống của đất nước.
“Khi nhận ra thời gian đang làm mai một những nghề thủ công, tôi tự nhủ rằng mình cần phải giữ gìn chúng. Tôi là một người có tâm hồn nghệ thuật và tôi tin rằng tất cả các loại hình nghệ thuật, bao gồm cả những nghề thủ công truyền thống, đều có tiềm năng để xây dựng cầu nối giữa con người với nhau.”
Với lòng nhiệt huyết và sự gắn bó với nghề, bà Aida Pasalic đã được Bảo tàng thành phố Zenica chọn tham gia Dự án “Made in” do Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án có sự tham gia của 1.000 thợ thủ công, nhà thiết kế, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa và nhà khoa học đến từ 6 quốc gia châu Âu, trong đó có Bosnia và Herzegovina.
“Trong lịch sử, Bosnia và Herzegovina được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp ở châu Âu. Chúng tôi có hơn 400 nghề thủ công khác nhau, trong đó có nghề sản xuất vải sợi và nhuộm màu.”
Theo Bảo tàng thành phố Zenica, dự án “Made In” là một kho lưu trữ kiến thức, cung cấp cái nhìn sâu sắc về chuyên môn nhằm mục đích bảo tồn các nghề thủ công truyền thống lâu đời ở châu Âu.
Kể từ khi trở thành một thành viên trong dự án “Made in”, hằng ngày ngoài công việc làm tranh giao cho khách, bà Aida Pasalic còn dạy cho học viên các kỹ thuật làm tranh nỉ từ cơ bản đến nâng cao. Bà hy vọng công việc của mình sẽ giúp nghề làm tranh nỉ mãi được gìn giữ và lưu truyền trong các thế hệ mai sau.
Quốc Trung