Samulnori là loại hình nghệ thuật dân vũ nhạc truyền thống miêu tả đời sống nông nghiệp thời Joseon (1392-1910) của người dân Hàn Quốc, với ý nghĩa cầu mong phước lành và vụ mùa bội thu. Năm 2014, samulnori đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngày nay, samulnori còn được biểu diễn như một hình thức giải trí, giúp gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của Hàn Quốc đã tồn tại hàng trăm năm này.
Trong dịp lễ Chuseok hay tết Trung thu ở Hàn Quốc vừa qua, tại khu nghỉ mát trên núi Samcheonggak ở thủ đô Seoul đã diễn ra buổi biểu diễn nghệ thuật mang tên Chuseok Samcheonggak 2023. Tại sự kiện này, người dân Hàn Quốc và du khách quốc tế đã được trải nghiệm nghệ thuật dân vũ nhạc truyền thống samulnori, như lời cầu chúc một mùa lễ Chuseok bình an, ấm no và sung túc.
Samulnori là hình thức biểu diễn nhảy múa trong nhịp điệu mang âm hưởng dân gian của 4 nhạc cụ gồm chiêng, cồng và 2 loại trống truyền thống. Dựa theo âm thanh phát ra mà mỗi nhạc cụ tượng trưng cho một hiện tượng tự nhiên. Cụ thể, chiêng Ggwaenggari tượng trưng cho sấm sét. Cồng Jing đại diện cho gió. Trống Janggu tượng trưng cho mưa, còn trống /Buc/ Buk đại diện cho mây.
“Thời xa xưa ở Hàn Quốc, những người nông dân thường đứng ngoài trời biểu diễn samulnori. Ngày nay, samulnori có thể được biểu diễn trên sân khấu. Những thay đổi xảy ra khi trời mưa đều được tái hiện trong màn biểu diễn samulnori. Đầu tiên là gió nổi lên, mây đen cuồn cuộn, sau đó nước mưa trút xuống, và sấm sét xuất hiện.”
Khi biểu diễn, các nghệ sĩ có thể vừa chơi nhạc cụ, vừa nhảy múa, đồng thời lắc lư đầu đội nón chỏm có gắn một sợi dây dài tạo nên những hình ảnh đẹp mắt. Chuyển động cơ thể nhanh và tràn đầy năng lượng của các nghệ sĩ trong nhịp điệu mạnh mẽ của các nhạc cụ truyền thống đã tạo nên nét đặc biệt và sức hút của samulnori.
Ngày nay, samulnori được tôn vinh như một bộ môn nghệ thuật đầy tự hào của người dân Hàn Quốc. Các yếu tố hiện đại đan xen với các yếu tố truyền thống làm cho những tiết mục samulnori không bị nhàm chán hay cũ kỹ, mà mang nét hiện đại và sôi động. Hiện samulnori được đón nhận không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ tâm huyết với bộ môn nghệ thuật truyền thống samulnori đã góp phần bảo tồn và phát triển nền nghệ thuật dân gian của Hàn Quốc.
Thái Kim