“Đừng vội vứt bỏ những bộ quần áo đã cũ, bởi vì chỉ cần một chút khéo léo, sáng tạo là chúng ta có thể biến chúng thành những món đồ thời trang mới mẻ, độc đáo.” Đó là chia sẻ của nhà thiết kế thời trang người Thái Lan Wishulada Panthanuvong. Cô gái trẻ này là người đứng sau dự án tái chế quần áo cũ thành các tác phẩm nghệ thuật và đồ thời trang đầy sáng tạo.
Bộ sưu tập thời trang của chị Wishulada Panthanuvong rất đa dạng. Phổ biến nhất là túi xách được làm từ vải vụn và quần áo cũ. Nhà thiết kế này cũng đã tận dụng túi nhựa và vải bỏ đi để may quần áo và phụ kiện thời trang. Tùy theo kích cỡ, sự đơn giản hay cầu kỳ của họa tiết mà thời gian hoàn thiện mỗi sản phẩm sẽ khác nhau, nhanh nhất là 3 ngày hoặc hơn một tuần lễ.
“Đối với nhiều người, quần áo cũ bị xem là rác. Nhưng với tôi, chúng là nguyên liệu để tôi có thể thỏa sức sáng tạo. Tôi cảm thấy rất vui vì nỗ lực tái chế quần áo cũ đang góp phần truyền tải thông điệp về thời trang bền vững đến mọi người xung quanh.”
Ngoài quần áo, chị Wishulada Panthanuvong còn làm nón, ví. Mỗi sản phẩm gần như là phiên bản độc nhất nên được rất nhiều người tìm mua. Gần đây, nhà thiết kế này đã hướng dẫn nhiều cư dân ở tỉnh Samut Sakhon cách may quần áo, ba lô từ vật liệu tái chế. Ngoài ra, chị Wishulada Panthanuvong cũng sử dụng quần áo cũ để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.
Mới đây nhất, chị đã cho ra đời tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tên Clothespocalypse, được làm từ hơn 4.000 bộ quần áo cũ. Tác phẩm này được trưng bày tại trung tâm thương mại UOB Plaza ở thủ đô Bangkok đến ngày 09/6 tới.
“Tác phẩm nghệ thuật của tôi được tạo ra hoàn toàn từ vật liệu phế thải. Tôi muốn mọi người thấy được lợi ích của nền kinh tế tuần hoàn và kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề quản lý chất thải để tái sử dụng, sửa chữa và tiết kiệm tài nguyên.”
Chị Wishulada Panthanuvong cho biết, việc xử lý rác thải thời trang tại các bãi chôn lấp hoặc đốt sẽ tạo ra khí thải nhà kính, góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều người dân Thái Lan bày tỏ sự quan tâm đến những bộ quần áo mang tính bền vững, thân thiện với môi trường và phong cách độc đáo. Theo các chuyên gia, mô hình kinh tế thời trang tuần hoàn tái sử dụng đồ cũ nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm lâu nhất có thể_ là xu thế tất yếu vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa mang lại giá trị kinh tế cao.
Dương Tuyển