Thành phố Sydney của Australia không chỉ nổi tiếng với “nhà hát con sò” độc đáo, mà còn được biết đến qua nhiều công viên lớn nhỏ. Nếu như các công viên Hyde, Queen, Luna… là những điểm đến lý tưởng của du khách, thì các “công viên bỏ túi” – tức những công viên nhỏ xinh – là nơi người dân địa phương hay đến tập thể dục, tán gẫu với nhau. Các không gian xanh nằm gọn trong khu dân cư này rất có lợi cho sức khỏe của người dân lẫn môi trường.
Thoạt nhìn, những “công viên bỏ túi” này có vẻ “không hòa hợp” với không gian đô thị bởi quá nhỏ bé. Song chúng rất hữu ích đối với cộng đồng địa phương và môi trường.
Thành phố Sydney hiện có khoảng 400 công viên với quy mô khác nhau, từ những khu vườn nhỏ chỉ vài trăm mét vuông, cho đến các công viên lớn, rộng hàng ngàn mét vuông. Dù có diện tích khiêm tốn, song các “công viên bỏ túi” cung cấp không gian cho mọi người thư giãn, vui chơi hoặc giao lưu ngoài trời, nhất là trong bối cảnh nhà ở ngày càng lấn chiếm thiên nhiên như hiện nay.
“Với quy mô nhỏ, các “công viên bỏ túi” có thể được xây dựng khắp các khu vực của thành phố, mang lại không gian công cộng gần gũi hơn cho người dân.”
Nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị cũng nhận định rằng, quy mô không quá quan trọng khi nói đến lợi ích của các công viên.
“Những công viên nhỏ giúp cộng đồng quản lý dễ dàng hơn, và chúng có thể đưa mọi người lại gần nhau hơn so với các công viên rộng lớn.”
Thành phố Sydney hiện đã có những “công viên bỏ túi” và nhiều công trình tương tự khác đang được xây dựng. Chúng thường có diện tích chỉ vài trăm mét vuông, thậm chí có thể chỉ vài chục mét vuông. Tuy nhiên, hầu hết đều có cây cho bóng mát, các ghế dài để mọi người có thể nghỉ chân.
“Xe cộ ở khu vực gần công viên ít hơn, nơi đây có nhiều chỗ dành cho người đi bộ hơn, nhất là những người già sống xung quanh.”
“Công viên giúp mọi người cảm thấy thư thái, khỏe khoắn. Không chỉ tốt cho con người, công viên còn có lợi cho chim chóc, và cả các loài vật hoang dã nữa.”
Trước đây, khi quy hoạch đô thị, giới chức các thành phố thường không trù bị cho những công viên nhỏ như vậy. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thành phố lựa chọn giải pháp này vì sự thuận lợi về diện tích mặt bằng, chi phí. Các “công viên bỏ túi” thường nằm ngay cuối phố nên mọi người đều dễ dàng tiếp cận bằng cách đi bộ, điều này giúp hạn chế lượng khí thải carbon. Ngoài ra, chúng cũng được xây dựng tại những khu đất bỏ hoang, hoặc những công trình bị xuống cấp, nên giúp cải thiện vẻ mỹ quan đô thị. Theo các chuyên gia, dù quy mô lớn hay nhỏ, các công viên đều góp phần xây dựng một xã hội hạnh phúc và lành mạnh.
Tường Vân