Một thông tin kinh tế đáng chú ý trong 24 giờ qua là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định nâng lãi suất cơ bản lần thứ 10 liên tiếp. Quyết định này có những tác động như thế nào? Sau đây là nhận định của các chuyên gia.
Ảnh minh họa
Sau 10 lần FED nâng lãi suất liên tiếp từ tháng 3 năm ngoái, đến nay lãi suất cơ bản tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 16 năm qua. Theo các chuyên gia, FED đang ưu tiên kiểm soát lạm phát dù lãi suất cao sẽ có tác động không nhỏ đến nền kinh tế.
Ông Joe Fitter – Giảng viên môn tài chính, Đại học Indiana (Mỹ) cho biết: “Lạm phát tại Mỹ đã ở mức cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% trong một thời gian dài. Việc tăng lãi suất sẽ làm nền kinh tế giảm tốc, chi phí vay sẽ cao hơn đối các cá nhân và doanh nghiệp, như vay mua nhà, mở rộng sản xuất, nhưng lạm phát cũng hạ nhiệt.”
FED kỳ vọng, với việc nâng lãi suất, nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ cũng giảm, từ đó hạn chế đà tăng giá. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ hiện chỉ cao hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức chênh lệch giữa năm 2022 và 2021 lên đến 8,3%.
Ông Jerome Powell – Chủ tịch FED phát biểu: “Chúng tôi vẫn kiên định mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%. Việc giảm lạm phát có thể kéo theo tăng trưởng thấp. Nhưng ổn định giá là cần thiết về dài hạn.”
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nếu FED giữ lãi suất cao quá lâu thì tác dụng ngược sẽ ngày càng lớn. Số việc làm cần tuyển dụng ở Mỹ vừa giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021. Trong khi đó, lãi suất cao làm dấy lên quan ngại về sức khỏe của các ngân hàng.
FED cho rằng dù một số ngân hàng tại Mỹ gần đây sụp đổ, song hệ thống ngân hàng ở nước này nhìn chung vẫn ổn định. Dù vậy, thông báo sau cuộc họp của FED vào đêm qua đã không còn nội dung “dự đoán rằng sẽ cần các đợt nâng lãi suất tiếp theo” như các cuộc họp trước.
Chứng khoán châu Á ngày 04/5
- Nikkei 225: 29.157,95 điểm ▲0,12%
- KOSPI: 2.500,94 điểm ▼0,02%
- Shanghai Composite: 3.350,45 điểm ▲0,82%
Phản ứng trước đợt nâng lãi suất mới của FED, các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở châu Á hôm 04/05 có những biến động trái chiều với các mức tăng, giảm nhẹ.
Giáo sư Jerry Parwada – Đại học New South Wales (Australia) chia sẻ: “Không có những phản ứng mạnh bất ngờ, vì đã có những dự đoán rằng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong đợt này và đây có thể là đợt nâng lãi suất cuối cùng trong một thời gian dài.”
Liên quan đến kinh tế Mỹ, đêm qua, Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo về những hậu quả nếu trần nợ công tại Mỹ không được nâng đúng hạn. Bộ Tài chính Mỹ ước tính quốc gia này sẽ chạm trần nợ công vào ngày 01/6 tới. Nếu các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không thể nhất trí nâng trần nợ công thì Mỹ sẽ vỡ nợ. Theo Nhà Trắng, các cú sốc sau đó có thể làm mất đi 8 triệu việc làm vào mùa Hè năm nay và khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 6%, còn thị trường chứng khoán Mỹ “bốc hơi” 45% trong quý III năm nay./.
Tuấn An