Đêm 28/10, Quốc hội Israel đã thông qua 2 dự luật có thể ngăn chặn việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo của Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine ở vùng Cận Đông của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) tới Dải Gaza.
Ảnh minh họa
Với 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Quốc hội Israel đã thông qua dự luật cấm mọi hoạt động của UNRWA trên lãnh thổ Israel. Theo đó, UNRWA sẽ không được phép cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ Israel.
Sau đó, các nhà lập pháp Israel đã thông qua dự luật thứ hai nhằm cắt đứt quan hệ ngoại giao với UNRWA. Dự luật cấm các mối quan hệ giữa quan chức Israel với UNRWA, cũng như tước quyền miễn trừ pháp lý của nhân viên cơ quan này.
Quốc hội Israel thông qua 2 dự luật nói trên với cáo buộc một số nhân viên của UNRWA đã tham gia cuộc tấn công của lực lượng Hamas ở Dải Gaza nhắm vào Israel vào ngày 07/10 năm ngoái. Các dự luật sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 đến 90 ngày kể từ khi Bộ Ngoại giao Israel thông báo đến Liên Hiệp Quốc.
Phản ứng trước động thái trên, người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini cho rằng cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Israel “là chưa từng có và đặt ra một tiền lệ nguy hiểm”. Theo ông Philippe Lazzarini, các dự luật này của Israel đi ngược lại tinh thần của “Hiến chương Liên Hiệp Quốc và vi phạm các nghĩa vụ của Nhà nước Israel theo luật pháp quốc tế”, “làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của người Palestine, nhất là ở Dải Gaza”.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng lệnh cấm của Israel đối với UNRWA sẽ gây ra hậu quả tàn khốc đối với người dân Palestine ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời có thể “gây bất lợi” cho việc giải quyết xung đột tại Dải Gaza.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh lệnh cấm của Israel là “không thể chấp nhận được” vì UNRWA có vai trò không thể thay thế khi thực hiện việc cứu trợ, viện trợ cho người dân Palestine.
Các nước Mỹ, Anh, Đức, Australia, Jordanie cũng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về động thái của Israel./.
Minh Thanh