Nghiên cứu gen của loài bạch tuộc sống ở vùng nước lạnh giá tại Nam cực có thể giúp tìm hiểu xem các tảng băng nứt vỡ và tan chảy như thế nào cách đây hàng triệu năm, từ đó dự báo về tình trạng băng tan ở vùng cực này hiện nay. Đây là cách tiếp cận mới đầy sáng tạo của các nhà nghiên cứu Australia.
Ảnh minh họa
Tác giả chính của cuộc nghiên cứu, nhà sinh học Sally Lau thuộc Đại học James Cook (Australia), cho biết các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ADN và đặc tính sinh học của loài bạch tuộc Turquet, “ứng cử viên” lý tưởng để nghiên cứu khối băng Tây Nam cực vì loài này rất phổ biến tại Nam cực và thông tin cơ bản về loài này đã được khoa học chứng minh. Bạch tuộc Turquet có tuổi thọ 12 năm và xuất hiện cách đây khoảng 4 triệu năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khối băng Tây Nam cực tan chảy ở 2 thời điểm riêng biệt, lần đầu tiên cách đây khoảng 3 đến 3,5 triệu năm và lần gần nhất cách đây 129.000 năm đến 116.000 năm, thời điểm nhiệt độ Trái Đất ấm hơn khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khối băng Tây Nam cực có thể tan nhanh hơn dự báo trước đây, khiến mực nước biển có nguy cơ dâng cao khoảng từ 3,3 – 5 mét trong thời gian dài nếu thế giới không thể giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức mục tiêu 1,5 độ C như đã cam kết trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu./.
Thảo Phương